Tín dụng tăng trưởng dương, ngân hàng tìm cách đa dạng nguồn vốn trung, dài hạn

(Banker.vn) Đảo bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn.
Hà Nội: Tín dụng tăng trưởng dương trong 2 tháng đầu năm Khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tăng trưởng tín dụng năm 2024 Bức tranh kinh doanh quý 1 nhiều mảng sáng của các ngân hàng

Sau khi âm 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng ngành ngân hàng đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3 và 4. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tương đương khoảng 13,78 triệu tỷ đồng được cho vay ra nền kinh tế.

Các chuyên gia nhận định, từ quý II trở đi, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh do nền kinh tế đang hồi phục. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí sang đầu quý III.

“Những năm trước, thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi là Nhật Bản, nhưng 3 tháng đầu năm nay, nhờ có đơn hàng mới từ các nước châu Âu, doanh số tăng khoảng 20%”, ông Đỗ Hoàng Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ IDEA chia sẻ.

Tại báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán CP chứng khoán MB (MBS) cho rằng, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng cao, các ngân hàng cũng khẳng định dư địa cho vay vốn còn rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh huy động vốn.

Bà Trần Nhị Hà, Phó giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho biết, ngân hàng đang tăng huy động tại các kỳ hạn trung, dài hạn từ 12 tháng trở lên, với mức lãi suất điều chỉnh tăng thêm từ 0,2 - 0,4%/năm, nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay dài hạn.

Ngành Ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Để đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh huy động vốn

Ghi nhận Báo Công Thương cho thấy, từ tháng 4 đến nay, lãi suất tiết kiệm tăng ở nhiều ngân hàng sau một năm liên tục giảm. Theo đó, biểu lãi suất mới nhất được các ngân hàng thương mại niêm yết, mức lãi suất huy động tăng từ 0,1% - 0,9/năm, tuỳ theo từng kỳ hạn.

Bên cạnh việc tăng lãi suất huy động, các nhà băng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn. Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, 3/5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có trị giá lớn trong tháng 4/2024 là thuộc về các ngân hàng. Cụ thể, các đợt trái phiếu có giá trị phát hành lớn đến từ các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3 nghìn tỷ VND, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2,8 nghìn tỷ VND, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%. Còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2 nghìn tỷ VND, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2% đến 6,8%.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, nhìn từ đầu năm đến nay, ngân hàng cũng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành mới. Theo đó, nhóm ngành ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt 9,4 nghìn tỷ đồng (năm 2023 giá trị phát hành là 400 tỷ đồng), tỷ trọng 25%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 5,7 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Techcombank 3 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) 3 nghìn tỷ đồng và MB 2,6 nghìn tỷ đồng.

Sự tăng tốc trở lại phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đặc biệt trong tháng 4 được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4. Các chuyên giả của FiinRatings lý giải đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý 1/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

“Các ngân hàng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt, đồng thời để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong năm nay”, chuyên gia của FiinRatings nhận định.

Tín dụng tăng trưởng dương, ngân hàng tìm cách đa dạng nguồn vốn trung, dài hạn
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp tháng 4/2024

Ngoài ra, yếu tố cân đối vốn và thậm chí cơ cấu lại nguồn vốn với giá rẻ của các ngân hàng song song đó cũng thể hiện rất rõ qua hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, lãi suất phát hành mới có mặt bằng thấp hơn hẳn so với lãi suất trái phiếu của các đợt đã phát hành trước.

Thống kê của FiinRatings ghi nhận các tổ chức tín dụng chiếm vị trí chủ đạo trong hoạt động mua lại trái phiếu tháng 4, chiếm tới 95% trong tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước đáo hạn đạt 10,4 nghìn tỷ VND (tăng 7,2% so với tháng 3 và tương đương 70,6% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, MB và Techcombank là các bên đang tăng cường thực hiện hoạt động này. Đây cũng chính là các ngân hàng đã phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 4. “Việc mua lại trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm sau và phát hành trái phiếu mới giúp ngân hàng cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn, đặc biệt là vốn cấp 2 được tính vào tỷ lệ an toàn vốn”, chuyên gia của FiinRatings cho biết, đồng thời nhấn mạnh, “nếu so sánh với lãi suất tiết kiệm 12 tháng mà các ngân hàng thương mại đang huy động trên thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức) với khoảng 6% theo mặt bằng trung bình chung cả hệ thống, rõ ràng lãi suất trái phiếu với kỳ hạn dài hơn đang được xem là kênh chi phí vốn rẻ và ổn định dài hơn hơn, đặc biệt khi thị trường đang ghi nhận xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở nhiều tổ chức tín dụng. Đồng thời, nhiều định chế dự báo mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể điều chỉnh tăng từ 50 - 150 điểm cơ bản đến cuối năm nay”.

Theo công bố, một số ngân hàng có các đợt phát hành trái phiếu đáng chú ý trong năm 2024 là: HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.

Hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu “3 không” - không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.

Và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trong tháng 4 cũng đã công bố Nghị quyết hội đồng quản trị về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2024. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành 20 đợt với tổng lượng phát hành 35.000 tỷ đồng, mục đích phát hành để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục