Tính đến ngày 31/5/2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn cùng kỳ và 3/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát |
Về tình hình cho vay của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua, đến tháng 4/2022, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
"Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng", báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Chưa kể, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng những tháng đầu năm 2022 tăng là phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Giới chuyên gia cho rằng, trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành... đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Căn cứ mục tiêu kinh tế - xã hội về tăng trưởng GDP lạm phát, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm của cả hệ thống tổ chức tín dụng; đồng thời có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Việc này bảo đảm cung cấp vốn cho phát triển kinh tế nhưng cũng thận trọng với rủi ro lạm phát và rủi ro nợ xấu phát sinh.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ ba giải pháp, đó là: Xác định và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phân hạn chế “tín dụng đen”, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như đây mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại đã có ý kiến về việc cho vay hết hạn mức tín dụng được giao và đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức này. Việc áp dụng hay bỏ cơ chế hạn mức tín dụng cũng nhiều lần được giới chuyên môn đặt ra.
Về vấn đề này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc, tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, qua đó, thúc đẩy tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.
Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Đơn cử, trong năm 2022, sức ép tăng trưởng tín dụng lớn do cộng hưởng nhiều yếu tố: Đầu tư công giải ngân vẫn còn chậm khiến nguồn vốn phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng; việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 - 2023 trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng và tỷ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cao khiến công tác điều hành tín dụng gặp nhiều thách thức...
Với áp lực lạm phát thời gian tới khá lớn, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và tình hình thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp.
Lũy kế từ ngày 15/8/2017 – 31/12/2021, toàn hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được 380,2 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết số 42 của Quốc hội, đạt trung bình khoảng 5,67 ngàn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi nghị quyết này có hiệu lực. |
Thanh Tâm
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|