Phóng viên: Thời gian gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng trưởng nóng với những cơn sốt đất ở nhiều địa phương. Có ý kiến cho rằng tín dụng đang chảy nhiều vào bất động sản dẫn đến sự tăng nóng của thị trường này. Vậy, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Bất động sản luôn là lĩnh vực được ngành Ngân hàng quan tâm và kiểm soát rất chặt chẽ. Trong 3 năm qua, tín dụng đầu tư vào bất động sản có chiều hướng giảm xuống, đặc biệt là trong cả năm 2020 vừa qua, do dịch COVID-19 nên tín dụng và bất động sản chỉ tăng khoảng 11,89%, trong khi 2 năm trước là năm 2018 và 2019 tăng 26 - 28%.
Riêng 3 tháng đầu năm nay, cũng như một vài tháng cuối năm 2020, tín dụng bất động sản có chiều hướng nhích lên một chút. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng tính đến thời điểm 30/3/2021 ước đạt 3%, cũng tương đương với mức tăng tín dụng chung của cả nước là khoảng 2,93%.
Nếu so với 3 tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản thấp là 1,84%, thì tỷ lệ trên có thể cao hơn. Nhưng so với thời điểm của 3 tháng đầu năm 2019 là 5,19% và những năm trước đó nữa, thì tỷ lệ hiện nay tăng khoảng 3% không cao hơn, mà thậm chí còn thấp hơn.
Như vậy, chúng tôi đánh giá rằng, mức tăng của tín dụng cho bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến bất động sản tăng nóng tại một số địa phương như hiện nay.
Phóng viên: Vậy, theo Phó Thống đốc đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tăng nóng của thị trường bất động sản hiện nay?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Tại rất nhiều diễn đàn, rất nhiều cuộc họp báo thời gian qua, các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản hiện nay tăng nóng, có thể kể đến như: Nhà đầu cơ, lướt sóng, tập trung vào những khu vực thị trường “nóng”, tăng theo thông tin quy hoạch, đề xuất dự án hạ tầng hoặc thông tin lên quận huyện; lợi nhuận từ đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán và vàng, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời và đầu tư vào đất; nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt với các phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, dự án đất nền; thông tin về việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng 15 - 20% so với trước đây... Chính vì thế trong suốt thời gian qua, NHNN luôn quan tâm và kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro nói chung, đặc biệt đối với tín dụng bất động sản nói riêng.
Phóng viên: Với sự “nóng” lên của thị trường bất động sản hiện nay, NHNN có các giải pháp gì để kiểm soát tín dụng chảy vào thị trường này, thưa ông?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Trong những năm qua, NHNN luôn kiên định mục tiêu điều hành và đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có lĩnh vực bất động sản. Trong đó, tập trung vào việc ban hành cơ chế chính sách, phân tích dự báo tình hình và yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo và phản ánh thực tế cũng như sử dụng công cụ kiểm tra, giám sát để đảm bảo dòng vốn tập trung vào sản xuất kinh kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro và có cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn hệ thống, ví như: Quy định tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 40% và quy định những khoản cho vay này phải áp dụng hệ số rủi ro khoảng 200%...
NHNN cũng thường xuyên theo dõi đánh giá, giám sát tình hình của các NHTM, ngân hàng nào có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro nói chung đặc biệt là lĩnh vực bất động sản nói riêng đều được cảnh báo.
Chúng tôi yêu cầu các NHTM tăng cường giám sát quản lý chặt dòng tiền đảm bảo đúng đối tượng, đi đúng vào lĩnh vực cần thiết hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro. Song song đó là theo dõi sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh việc vay vì các lý do khác nhưng bản chất đầu tư vào bất động sản.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
T.H (ghi)
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|