Tín dụng "dậm chân tại chỗ" trong 2 tháng trở lại đây

(Banker.vn) Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều ngân hàng lớn đã cạn room tín dụng ngay trong 6 tháng đầu năm, trong khi đến gần hết tháng 8, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa giao thêm hạn mức tăng trưởng mới.

Lãi suất tăng mạnh, người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng

Điểm danh 7 ngân hàng niêm yết tốt nhất năm 2022

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%).

Trước đó, đến hết tháng 6, tín dụng đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục 10 năm, lên tới 9,35%; đến tháng 7, tăng trưởng quay đầu chỉ còn 9,27%.

Như vậy, có thể thấy tín dụng đã có sự chững lại trong gần 2 tháng trở lại đây. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều ngân hàng lớn đã cạn room tín dụng ngay trong 6 tháng đầu năm, trong khi đến gần hết tháng 8, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa giao thêm hạn mức tăng trưởng mới.

Tín dụng “đậm chân tại chỗ” trong 2 tháng trở lại đây (Ảnh minh họa)
Tín dụng “đậm chân tại chỗ” trong 2 tháng trở lại đây (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của SSI Research, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.

''Ngân hàng Nhà nước vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao'', SSI Research cho hay.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần cho biết sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp ''room'' sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng.

Trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên hai cơ sở chính.

Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các tổ chức tín dụng theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.

Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Theo giới phân tích, MB cùng với Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid -19. Do đó, những ngân hàng này sẽ được NHNN ''thoáng hơn'' trong việc xem xét nới ''room''.

Ngoài ra, MB và Vietcombank cũng đang là bên tiếp nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng vì vậy nhiều khả năng hai ngân hàng này sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và trong các năm tới.

Chứng khoán Bảo Việt ước tính, Vietcombank có thể được nới ''room'' tín dụng lên khoảng 19%, trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng của MB có thể đạt khoảng 25%.

VPBank cũng có thể được nới ''room'' cao hơn mặt bằng chung khi ngân hàng này đã sử dụng hết hạn mức được tạm cấp từ đầu năm và có kế hoạch nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục