Tín dụng chính sách tăng giải ngân giúp phục hồi và phát triển kinh tế

(Banker.vn) Các chương trình tín dụng chính sách đã và đang tích cực được giải ngân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Giải ngân tín dụng chính sách xã hội được ngành ngân hàng thực hiện quyết liệt theo tinh thần tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt trên 2.335 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.

Tín dụng chính sách tăng giải ngân giúp phục hồi và phát triển kinh tế

Tín dụng chính sách tăng giải ngân giúp phục hồi và phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 126/NQ-CP.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP địa bàn Thủ đô được phân bổ là 206,3 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được 51,71 tỷ đồng cho 924 khách hàng được vay vốn.

Bên cạnh đó, bổ sung nguồn vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đạt 5.956 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, TP đã dành riêng 1.150 tỷ đồng chuyển qua NHCSXH TP để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. “Trong năm 2022, TP cũng đã có quyết định bổ sung ủy thác NHCSXH TP. Hà Nội 900 tỷ đồng để cho vay vốn với người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần phục hồi phát triển kinh tế”- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đối với 7 nhiệm vụ được Chính phủ phân công triển khai trong Chương trình thực hiện Nghị quyết 11, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân đạt 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng của 4 chính sách tín dụng chỉ sau gần 1 tháng triển khai.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHNN được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, NHNN đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

“So với các chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện giai đoạn trước đây, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đã khắc phục được một số hạn chế và có nhiều ưu đãi hơn về thời hạn cho vay, lãi suất cho vay và mức cho vay; đặc biệt bổ sung thêm chính sách mới về cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý để phát huy thế mạnh của từng địa phương và góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là một trong những chỉ đạo quan trọng, giải pháp kịp thời, nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng và điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế- xã hội trong các năm tiếp theo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để triển khai hiệu quả chương trình cho vay này, góp phần thực hiện hiệu quả phục hồi kinh tế thì các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn nữa.

Khẳng định vai trò của Nghị quyết số 11 với việc nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ đã triển khai đi vào thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, để giải ngân tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn ưu đãi đối với cái chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Bộ Tài chính phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho ngân hàng này để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương