Tìm kiếm giải pháp thiết thực, khả thi cho tương lai ngành điện tại Việt Nam

(Banker.vn) Sáng ngày 18/9, Hội nghị Chuyển dịch Năng lượng tại Việt Nam diễn ra nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt cho ngành điện.
Bộ Công Thương góp ý triển khai quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 Sắp diễn ra chuỗi các hoạt động về năng lượng hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững Thúc đẩy phát triển các dự án hydrogen xanh tại Quảng Ngãi

Hội nghị Hiện trạng Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VSET) được tổ chức như một hoạt động tổng kết của giai đoạn hai sáng kiến mang tên Tương lai Ngành điện Việt Nam (FE-V), được triển khai từ năm 2023. Mục tiêu của VSET là trình bày các kết quả nghiên cứu của FE-V và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác bền vững giữa các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân thông qua các phiên làm việc hợp tác và tương tác đồng cấp. VSET cũng có thể đặt nền móng cho các hoạt động tiềm năng trong tương lai của FE-V, chẳng hạn như phát triển báo cáo thường niên về tiến trình chuyển đổi năng lượngViệt Nam.

Tìm kiếm giải pháp thiết thực, khả thi cho tương lai ngành điện tại Việt Nam
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Hội nghị Hiện trạng Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Thái Mạnh.

Từ năm 2022, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã triển khai chương trình từ khoa học đến chính sách đến mang tên Tương lai Ngành điện Việt Nam (FE-V) với sự tham gia của Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

FE-V đặt mục tiêu tăng cường mối liên kết giữa chính phủ Australia và Việt Nam thông qua các nghiên cứu thực tiễn và đối thoại chính sách. FE-V tận dụng kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng của Australia để hỗ trợ Việt Nam tìm hiểu các biện pháp can thiệp thiết thực, khả thi trong ngành điện nhằm xây dựng một hệ thống điện đáng tin cậy, giá cả phải chăng và phát thải ròng bằng không.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết: "Việt Nam cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Việt Nam có nguồn năng lượng thủy điện dồi dào, hiện chiếm tỷ trọng gần 30% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chiếm trên 26%. Việt Nam hiện đang phát triển các dự án điện khí và mong muốn thúc đẩy phát triển hơn nữa về năng lượng gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi có thể dần thay thế năng lượng hóa thạch trong tương lai".

Theo báo cáo của Sáng kiến Tương lai ngành điện Việt Nam (FE-V), Giai đoạn I (tháng 12/2022 đến tháng 6/2023): Đưa ra các kiến thức, kinh nghiệm, và gợi ý cải cách định hướng cấp cao của ngành điện quốc gia theo mục tiêu đáng tin cậy, giá cả phải chăng, và phát thải ròng bằng không (Nghị quyết 55). Biên soạn kinh nghiệm của Australia về chuyển dịch năng lượng thành năm (05) tài liệu thảo luận theo 5 khía cạnh (Nguồn điện, nhiên liệu, lưới điện, nhu cầu, thị trường) được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề ưu tiên mà ngành điện Việt Nam phải đối mặt. Tổ chức đối thoại chính sách cấp cao, quy tụ hơn 150 chuyên gia năng lượng và các nhà hoạch định chính sách của Australia và Việt Nam để thảo luận về các giải pháp cho quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam và hỗ trợ thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia lần thứ 8 (PDP8).

Trong giai đoạn 2 (tháng 7/2023 – tháng 9/2024), FE-V tập trung vào các vấn đề ưu tiên để hỗ trợ các cơ quan chính phủ Việt Nam thực hiện PDP8 được phê duyệt hồi tháng 5/2023 thông qua việc phát triển tám Báo cáo Nghiên cứu Hợp tác (CRR) về nguồn điện, nhiên liệu, thị trường, lưới điện, nhu cầu, quy hoạch, khả năng chống chịu của hệ thống điện (Resilience) & Bình đẳng giới, khuyết tật, và hoà nhập xã hội (GEDSI). Mỗi CRR đề cập một thách thức hoặc vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện PDP8, được xác định bởi các bên liên quan từ Việt Nam.

Tìm kiếm giải pháp thiết thực, khả thi cho tương lai ngành điện tại Việt Nam
Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Đại sứ Australia tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương (TBC). Ảnh: Thái Mạnh.

Hội nghị Hiện trạng Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VSET) được tổ chức như một hoạt động tổng kết của giai đoạn hai sáng kiến FE-V, được triển khai từ năm 2023. Mục tiêu của VSET là trình bày các kết quả nghiên cứu của FE-V và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác bền vững giữa các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân thông qua các phiên làm việc hợp tác và tương tác đồng cấp. VSET cũng có thể đặt nền móng cho các hoạt động tiềm năng trong tương lai của FE-V, chẳng hạn như phát triển báo cáo thường niên về tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

Thái Mạnh - Huyền Trang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục