Tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận vốn cho khu vực hợp tác xã tại Việt Nam

(Banker.vn) Ngày 23/5, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với Đoàn Dự án “Nâng cao năng lực cho khu vực Hợp tác xã tại Việt Nam” (do DVGR thực hiện) nhằm trao đổi nắm bắt, tìm hiểu kỹ hơn về việc tiếp cận vốn cho hợp tác xã (HTX) và tìm kiếm các cơ hội hợp tác phù hợp.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Dự án DGRV tại Việt Nam cùng các thành viên Đoàn Dự án. Về phía VNBA có Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cùng lãnh đạo các Ban nghiệp vụ của VNBA.

Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã chia sẻ về tình hình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của HTX tại Việt Nam. Theo đó, năm 2021, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tập trung vốn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của khách hàng, trong đó có HTX.

Bên cạnh đó, NHNN cũng triển khai Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW. Ngoài ra, năm 2021, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện một số nội dung triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể.

Về kết quả tín dụng, dư nợ đối với HTX, liên hiệp HTX đến hết ngày 31/12/2021 đạt 7.214 tỷ đồng, giảm 3,13% so với thời điểm ngày 31/12/2020. Đối với kết quả hỗ trợ HTX theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19, đến ngày 31/12/2021 các TCTD đã thực hiện hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 76 HTX, LHHTX; lũy kế số HTX, LHHTX được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 148 hộ; với dư nợ 252 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 470 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 15 HTX, LHHTX, lũy kế số HTX, LHHTX là 27 hộ với dư nợ 111 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 3.212 cho 107 hộ HTX.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ giai đoạn trước xuất phát từ nội tại của các HTX như nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn; thiếu công khai, minh bạch, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ Luật HTX 2012, chưa chuyển đổi hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, do vậy, chưa đủ căn cứ để được xem xét cho vay; hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao; quan hệ giữa HTX và các thành viên còn thiếu sự gắn kết. Bên cạnh đó, năm 2021, các HTX phải đối mặt với những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; trong khi tâm lý chung còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước chưa chuyển đổi mô hình hoạt động nên đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay ngân hàng.

“NHNN luôn muốn hỗ trợ song các NHTM cũng phải tính toán đến khả năng hiệu quả kinh doanh, rủi ro thì mới có thể cho các HTX vay vốn. Mô hình HTX ở Việt Nam tiếp cận vốn rất khó khăn, mặc dù Chính phủ, NHNN, các tổ chức tín dụng đã có những quan tâm sát sao”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Sau khi nghe chia sẻ từ VNBA, thay mặt Đoàn Dự án, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh đã giới thiệu về DGRV và mô hình phát triển HTX tại Đức. Dự án “Nâng cao năng lực cho khu vực HTX tại Việt Nam” do DGRV thực hiện nhận được sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ).

Về mục tiêu hoạt động, dự án nhằm thúc đẩy kinh tế toàn diện thông qua phát triển mô hình HTX bền vững. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tổ chức HTX thông qua việc nâng cao năng lực quản trị tổ chức HTX và năng lực điều hành hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường bền vững; nâng cao năng lực tiếp cận sản phẩm/dịch vụ tài chính phù hợp và hiệu quả kinh doanh.

Đại diện của DGRV cũng đã trình bày hình thức triển khai hoạt động như thành lập các ban cố vấn ở cấp quốc gia và quốc tế; tiến hành các nghiên cứu; tổ chức hội nghị chuyên đề, hội thảo; tổ chức tập huấn, thực hành tập huấn (ToT, TOC); hoạt động tư vấn; tổ chức các chuyến tham quan học tập, thực tập.

Về cách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, Dự án tư vấn trực tiếp tại các quỹ tín dụng nhân dân về các nội dung thẩm định tài sản bảo đảm, đánh giá khả năng trả nợ, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Bên cạnh đó, tập huấn về rủi ro pháp lý đối với tài sản bảo đảm, kiểm toán nội bộ, thẩm định tín dụng; tổ chức hội thảo xây dựng chiến lược cho các quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tập huấn về xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản trị HTX, quản trị tài chính HTX.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại diện DGRV chỉ ra những khoảng trống trong tiếp cận tín dụng của HTX tại Việt Nam. Về phía HTX, khó khăn chính là chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Cụ thể, các HTX chưa có phương án/kế hoạch kinh doanh khả thi; năng lực tài chính và quản lý tài chính còn hạn chế, cụ thể là chưa có báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính chưa đủ tin cậy để chứng minh về hiệu quả hoạt động và chưa có đủ nguồn vốn đối ứng khi vay vốn; năng lực quản trị HTX của đội ngũ lãnh đạo, quản lý HTX còn hạn chế công tác kế toán chưa được chú trọng; thiếu tài sản thế chấp; chưa chứng minh được năng lực trả nợ.

Về phía các TCTD, mặc dù tham gia thực hiện các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhưng chủ yếu là về mặt chủ trương, còn lại họ vẫn phải chủ động về nguồn vốn và phải tự chịu trách nhiệm đối với nguồn vốn của mình, chính vì thế các tổ chức vẫn phải thực hiện theo quy định/quy chế tín dụng để hạn chế thất thoát vốn (yêu cầu phải có tài sản bảo đảm tiền vay khi vay vốn).

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường bấp bênh nên dễ gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của HTX; hoạt động kinh doanh của HTX trong thời gian qua chưa chứng minh được hiệu quả, chưa tạo niềm tin đối với các TCTD; tài sản thế chấp của các HTX vẫn đang là vấn đề khó giải quyết đối với các ngân hàng do sự không rõ ràng về quyền sở hữu (HTX vay nhưng tài sản thể chấp là của cá nhân), tài sản được cho, cho mượn nên không được dùng để thế chấp. Do năng lực của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế nên cán bộ ngân hàng phải hỗ trợ để xây dựng phương án kinh doanh, tư vấn lập báo cáo tài chính,... vì thế chi phi cho vay cũng cao hơn.

Với kinh nghiệm thực hiện dự án tại nhiều quốc gia, đại diện DGRV bày tỏ mong muốn chia sẻ những bài học từ quốc tế với hy vọng những kinh nghiệm này sẽ là đầu vào tốt cho các cơ quan quản lý xây dựng cơ chế chính sách để đi vào thực thi có hiệu quả, mang lại lợi ích tốt nhất.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao sự quan tâm của DGRV đã dành cho VNBA. Việc chia sẻ các thông tin từ DGRV về hoạt động, mục tiêu, và các kết quả của Dự án đã thể hiện sự hỗ trợ quý báu của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức cho sự phát triển của khu vực HTX tại Việt Nam. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng hi vọng sau buổi làm việc này hai bên có thêm những hiểu biết cụ thể và sẽ có nhiều hợp tác sâu rộng hơn cùng nhau trong tương lai.

Quỳnh Dương

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục