Tìm kiếm giải pháp bền vững cho ngành đường mía công nghiệp

(Banker.vn) Theo các doanh nghiệp đồ uống và thực phẩm đang cần nguồn đường công nghiệp chất lượng cao ổn định để sản xuất và phát triển bền vững.
Giá đường trong nước sẽ nóng? Giá đường tăng cao kỷ lục, sao doanh nghiệp vẫn than khó?

Đường được xem là nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, sữa, kem, bánh kẹo, dược phẩm và nhiều ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất, gây ra những tác động tiêu cực đến cơ hội phát triển ngành thực phẩm quốc gia.

Động lực không thể thiếu cho nhiều ngành công nghiệp

Tính tới hết tháng 5/2023, thị trường đường thế giới chứng kiến những sự thay đổi khó lường, đặc biệt là việc giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm. Tình hình nguồn cung đường thế giới thiếu hụt đang đặt ra nhiều mối lo ngại mối lo ngại khủng hoảng nguyên liệu tại Việt Nam do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tìm kiếm giải pháp bền vững cho ngành đường mía công nghiệp

Nguyên nhân khiến nguồn cung đường toàn cầu giảm sút hạn chế ở mức thấp báo động là do sản lượng đường giảm ở các cường quốc sản xuất. Tác động bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi, mất kiểm soát bệnh hại ở cây mía và thu hẹp vùng nguyên liệu đã khiến nhu cầu nhập khẩu bổ sung đường nguyên liệu tăng cao. Kèm theo đó nhu cầu tiêu thụ đường tỉ lệ thuận với dân số thế giới ngày càng gia tăng cũng tạo ra sự cạnh tranh nguyên liệu gay gắt trên thị trường toàn cầu.

Nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt sau khi một số quốc gia sản xuất đường lớn nằm ở Bắc bán cầu thông báo sản lượng thấp hơn dự kiến. Theo đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm dự báo lượng đường dư cung trên thế giới trong niên vụ 2022-2023 từ 6,2 triệu tấn trong tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn trong tháng 2/2023. Song song đó, những cường quốc về mía đường như Ấn Độ, Brazil cũng cho thấy sự suy giảm về sản lượng đường khi Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên vụ 2022-2023 chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo gần nhất và giảm 5% so với cùng kỳ niên độ trước.

Để đảm bảo nguồn cung nội địa, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong niên vụ 2022-2023, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước. Bên cạnh đó, Hiệp hội Thương mại đường Ấn Độ nhấn mạnh việc xuất khẩu đường sẽ vào tháng 12/2023 sau khi ước tính sản lượng sơ cấp cho vụ mới từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024. Làn sóng bảo hộ lương thực này được dự đoán sẽ diễn ra gay gắt hơn nữa tại hàng loạt quốc gia xuất khẩu đường lớn khác như Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Pakistan và châu Âu.

Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu liên tục gia tăng cũng đặt ra mối lo ngại về việc đẩy giá năng lượng tăng. Theo đó, từ ngày 1/3/2023, Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã quay lại đánh thuế đối với xăng và Ethanol khiến tỷ trọng mía dành cho sản xuất nhiên liệu sinh học tăng lên, gián tiếp khiến sản lượng đường thu hẹp.

Tại Thái Lan, nước này cũng báo cáo sụt giảm sản lượng đường trầm trọng, niên vụ 2022-2023 chỉ đạt 8,5 triệu tấn, giảm 15% so với vụ trước. Dự kiến niên vụ sau sản lượng sẽ tiếp tục suy giảm do thời tiết thất thường, đô thị hoá và nông dân chuyển đổi mía sang trồng mì.

Tại Việt Nam, trong tháng 6, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,7 triệu tấn mía sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. Tuy nhiên, nửa đầu năm đường nhập khẩu chính ngạch giảm, còn 40% so với cùng kỳ do ảnh hưởng tăng của giá đường quốc tế, trong đó, lượng đường thiếu hụt tập trung nhiều vào đường công nghiệp.

Tìm kiếm giải pháp bền vững cho ngành đường mía công nghiệp

Nỗi lo thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất lan rộng đến các nước trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành mía đường Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất xuất phát từ thực tế là do số lượng các nhà sản xuất đường đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe cho lĩnh vực chế biến công nghiệp tại Việt Nam không nhiều. Ví dụ như dòng sản phẩm nước giải khát cao cấp yêu cầu đường đặc biệt, một loại đường chất lượng cao tinh khiết và không có kết tủa... Biến động giá nhiên liệu cũng làm tăng chi phí sản xuất từ canh tác, vận chuyển đến chế biến. Điều này làm giảm lợi nhuận và ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất đường nhỏ lẻ, không tự chủ về nguyên liệu và sức khỏe tài chính.

Nỗi lo thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất lan rộng đến các nước trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành mía đường Việt Nam

Thiếu hụt đường làm tăng giá thành sản phẩm đường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu này. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đường do hạn chế xuất khẩu và giới hạn nguồn cung cũng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và ngành công nghiệp phụ thuộc vào đường công nghiệp. Ngoài ra, sự thiếu hụt đường còn làm suy giảm sức cạnh tranh và khả năng cung ứng của các ngành công nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này có thể dẫn đến mất đi các cơ hội xuất. khẩu và giảm đòn bẩy kinh tế của quốc gia.

Tìm kiếm giải pháp bền vững cho ngành đường mía công nghiệp
Các Công ty đa quốc gia như Nestle, Pepsi, Coca Cola, Unilever… đều có nhu cầu lớn về nguồn đường công nghiệp tinh luyện để làm nguyên liệu đầu vào đáp ứng sản xuất công nghiệp cho ra các sản phẩm chất lượng cao

Tình trạng thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất đang tạo ra những thách thức đáng kể cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Điều này đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực của các nhà chức trách, doanh nghiệp và người tiêu dùng để tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo nguồn cung đường ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước một cách hiệu quả, bền vững.

Lời giải nào cho bài toán “thiếu hụt đường” hiện nay?

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất, một số doanh nghiệp cho rằng cần áp dụng các giải pháp đa dạng nguồn cung nguyên liệu một cách toàn diện và linh hoạt như tăng cường sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, nhập khẩu đường thô và gia công tại các nhà máy có công đoạn luyện đường… Hiện trong nước có những nhà máy tinh luyện đường có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào như đường thô để tinh luyện thành đường đáp ứng sản xuất công nghiệp.

Việt Nam cũng có thể tận dụng nguồn cung đường từ các quốc gia khác để giảm bớt áp lực sản lượng đường sản xuất trong nước, giúp các các nhà máy có thêm nguồn đường luyện ngoài vụ, góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu đường thô để tinh luyện cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để đảm bảo rằng đường nhập khẩu và gia công đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, từ đó tạo động lực cho lĩnh vực sản xuất trong nước để trợ lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

PV

Theo: Báo Công Thương