Tìm hiểu ý nghĩa màu sắc trong chứng khoán, cách đọc bảng giá chứng khoán

(Banker.vn) Các nhà đầu tư mới đang tìm hiểu về thị trường chứng khoán có lẽ vẫn chưa nắm được các màu xanh đỏ tím trong chứng khoán thể hiện cho điều gì? Hiểu theo một cách đơn giản, các màu sắc này là các chỉ số về giá được biểu hiện trên bảng giá chứng khoán. Chức năng chính của màu trong bảng giá chứng khoán là giúp các nhà đầu tư đưa ra các lệnh đặt mua hoặc bán chứng khoán cho phù hợp. Bài viết dưới đây giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn vấn đề này.

Các màu sắc trong chứng khoán

Bảng giá chứng khoán là nơi để nhà đầu tư theo dõi thông tin về từng mã và quyết định nên chọn mua mã nào. Các màu có trên bảng này gồm: Xanh, xanh dương, đỏ, tím,vàng, trắng. Mỗi màu thể hiện các chỉ số giá khác nhau. Cụ thể bao gồm:

Màu tím trong chứng khoán

Màu tím là màu thể hiện cho giá trần (CE). Đây là mức giá cao nhất nhà đầu tiên có thể đặt lệnh mua hoặc bán trong phiên giao dịch trong ngày. Mỗi sàn giao dịch sẽ xác định mức giá trần theo công thức khác nhau dựa trên giá tham chiếu. Trong đó, giá tham chiếu là giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó. Cụ thể:

Tìm hiểu ý nghĩa màu sắc trong chứng khoán, cách đọc bảng giá chứng khoán
Hình minh họa (nguồn internet)

Tại sàn HNX, giá trần tăng 10% so với giá tham chiếu.

Tại sàn HOSE, giá trần tăng 7% so với giá tham chiếu.

Tại sàn UPCOM, giá trần tăng 15% so với giá tham chiếu.

Màu xanh dương trong chứng khoán

Màu xanh dương là thể hiện mức giá sàn. Có nghĩa là, đây là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có quyền đặt lệnh mua hoặc bán theo phiên giao dịch trong ngày. Mức giá này cũng được xác định dựa trên giá tham chiếu và tùy vào từng sàn chứng khoán để áp dụng theo công thức cụ thể:

Tại sàn HNX, mức giá sàn giảm 10% so với mức giá tham chiếu.

Tại sàn HOSE, mức giá sàn giảm 7% so với mức giá tham chiếu.

Tại sàn UPCOM, mức giá sàn giảm 15% so với mức giá bình quân trong phiên giao dịch trước đó.

Màu vàng trong chứng khoán

Màu vàng trong chứng khoán là màu được dùng để biểu thị cho giá tham chiếu. Đây cũng là màu thể hiện mức giá chứng khoán không thay đổi so với mức tham chiếu. Điều này có nghĩa là mức giá của mã cổ phiếu trong kỳ giao dịch này đang bằng với giá đóng cửa của phiên trước đó.

Tại sàn UPCOM thì mức giá tham chiếu hay còn gọi là “giá vàng” được xác định bằng bình quan các phiên giao dịch gần nhất.

Màu đỏ trong chứng khoán

Màu đỏ là màu sắc chứng khoán biểu trưng cho mức giá hay chỉ số chứng khoán đang có chiều hướng giảm. Khi nhìn vào bàng giá chứng khoán các mã cổ phiếu có màu đỏ là mức giá thể hiện một cách đầy đủ nhất.

Mức giá này thường thấp hơn so với giá tham chiếu nhưng lại cao hơn giá sàn. Nếu bạn nhìn thấy mức giá cổ phiếu trên sàn giao dịch có màu đỏ thì cùng với đó khối lượng đi kèm cũng sẽ có màu đỏ.

Màu xanh lá trong chứng khoán

Trái ngược với màu đỏ thì màu xanh biểu thị cho giá hoặc chỉ số cổ phiếu đang có chiều hướng tăng. Và mức giá màu xanh thường cao hơn so với giá tham chiếu nhưng thấp hơn so với giá trần. Khi nhìn vào một bảng giá chứng khoán nếu thấy mã cổ phiếu nào có màu xanh thì đây chắc chắn là cổ phiếu tiềm năng để bạn có thể mua hoặc bán. Cũng giống như các màu khác thì các mã cổ phiếu màu xanh cũng có thể thay đổi nên bạn cần thường xuyên cập nhật.

Màu trắng trong chứng khoán

Màu trắng là màu cuối cùng xuất hiện trên bảng giá chứng khoán. Màu này mang ý nghĩa là các mã cổ phiếu của các nhà đầu tư chưa được khớp lệnh vào bất cứ lô giao dịch nào. Mã cổ phiếu trắng có hai loại đó là trắng bên bán và trắng bên mua.

Cách đọc bảng giá chứng khoán theo từng mã cổ phiếu

Để xem diễn biến của từng cổ phiếu như thế nào thì bước tiếp theo nhà đầu tư cần làm đó là xem chi tiết từng chỉ số về mã cổ phiếu đó được thể hiện trên bảng giá chứng khoán. Cụ thể cách đọc bảng giá theo từng mã cổ phiếu như sau:

Mã CK (Symbol): là mã giao dịch được quy định của công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Mỗi công ty sẽ có một mã giao dịch riêng.

Trần/ Giá trần/ Giá tím (Ceil): là mức giá cao nhất của cổ phiếu đó trong phiên giao dịch.

Sàn/ Giá sàn/ Giá xanh dương (Floor): là mức giá thấp nhất của cổ phiếu đó trong phiên giao dịch.

TC/ Giá tham chiếu/ Giá vàng (Ref): là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm trước.

Dư mua/ Bên mua (Bid): là bên chờ mua, với tương ứng là Giá 1 : Khối lượng 1; Giá 2 : Khối lượng 2. Có nghĩa là nhà đầu tư đang sẵn sàng mua với giá và khối lượng tương ứng đó nhưng chưa có người bán nên dẫn đến dư mua.

Dư bán: Ngược lại với dư mua, người bán cổ phiếu chờ bán để có được mức giá bán cao hơn.

Khớp lệnh (Matched): là khi trùng khớp giá giữa 2 bên mua và bán, thành công giao dịch cổ phiếu. Khớp lệnh bao gồm giá khớp lệnh là mức giá bán thành công và KL (Vol) là khối lượng cổ phiếu được bán.

“+/-”: đây được hiểu là mức chênh lệch tăng hoặc giảm so với mức giá tham chiếu ban đầu.

Cao: nghĩa là giá cao nhất đạt được trong phiên.

Thấp: nghĩa là giá thấp nhất đạt được trong phiên.

TB: Là trung bình cộng của các mức giá đã được giao dịch trong phiên.

KL: Là tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong phiên.

NN Mua: chính là nhà đầu tư nước ngoài mua.

NN Bán: chính là nhà đầu tư nước ngoài bán.

Room: chỉ tổng khối lượng của các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ, hay chính là cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu.

Các chỉ số thị trường cần biết trên bảng giá chứng khoán

Bên cạnh các cột, màu sắc biểu thị chứng khoán thì các chủ thể là những đối tượng nhà đầu tư cũng cần biết các chỉ số thị trường quan trọng này. Các chỉ số thị trường mà chúng ta cần quan tâm bao gồm các chỉ số thị trường cơ bản sau đây:

Chỉ số VN-Index được biết đến chính là chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại HOSE (Sở GDCK Hồ Chí Minh)

Chỉ số VN30-Index được biết đến chính là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng được tiêu chí sàng lọc

Chỉ số HNX-Index được biết đến chính là chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại HNX (Sở GDCK Hà Nội)

Chỉ số HNX30-Index được biết đến chính là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HNX có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng được tiêu chí sàng lọc

Chỉ số VNX AllShare được biết đến chính là chỉ số chung thể hiện sự biến động giá của tất cả cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE và HNX.

Chỉ số UPCOM được biết đến chính là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả cổ phiếu đang niêm yết trên sàn UPCOM.

Minh Đức

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục