Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên là 14.174 km2, dân số 1,3 triệu người với 12 dân tộc anh em, nằm cách Hà Nội 320 km trên trục Quốc lộ 6 Hà Nội - Sơn La - Điện Biên và nằm sâu trong nội địa với 250 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành) đạt 67.734 tỉ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 51,7 triệu đồng/người/năm.
Sơn La là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra như: Tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; cơ sở, kết cấu hạ tầng còn hạn chế so với yêu cầu phát triển; nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn, trong khi nguồn lực còn hạn hẹp; quy mô và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế còn hạn chế; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; tình hình thời tiết, dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất; ô nhiễm môi trường còn gia tăng ở một số nơi; tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; tỉ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, năm 2023 là 14,83%... Đây đều là những vấn đề cấp thiết, cần tiếp tục quan tâm tập trung giải quyết.
Thực hiện Quyết định số 23136-QĐ/HVCTQG ngày 01/3/2024 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc cử cán bộ và học viên đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Sơn La, từ ngày 16/3/2024 đến ngày 18/3/2024, Đoàn công tác do TS. Trần Quang Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn; TS. Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ nhiệm lớp - Phó Trưởng đoàn; TS. Lê Ngọc Thắng, đồng Chủ nhiệm lớp - Phó Trưởng đoàn và cùng 61 học viên Lớp cao cấp lý luận chính trị K73.B23 đã có chuyến nghiên cứu thực tế tại Sơn La.
Đồng chí Trịnh Công Văn, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La báo cáo tình hình hoạt động
của các tổ chức tín dụng trên địa bàn
Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp cao cấp lý luận chính trị K73.B23 đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Sơn La và các sở, ngành tại địa phương. Tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Công Văn, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình tổ chức và hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
Hiện nay, Sơn La có 20 đầu mối TCTD với mạng lưới hoạt động trải khắp 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 10 chi nhánh cấp II, 51 phòng giao dịch, 280 điểm giao dịch. Toàn tỉnh Sơn La hiện có 77 ATM/CDM; lũy kế các TCTD phát hành gần 700 nghìn thẻ ATM. So với 14 tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi phía bắc, số lượng TCTD, quy mô tổng tài sản của các TCTD của tỉnh Sơn La đứng thứ 5/14 tỉnh. Dự kiến trong năm 2024, có thêm 02 chi nhánh ngân hàng thương mại khai trương hoạt động trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 07 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động. Hệ thống QTDND tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan. Công tác quản trị điều hành của các QTDND đã đạt được nhiều tiến bộ trên nhiều mặt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND từng bước được nâng lên, đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; hoạt động phát triển ổn định, an toàn, bền vững.
Các TCTD trên địa bàn đã tích cực rà soát danh sách khách hàng, thực hiện khẩn trương các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN. Đến hết ngày 31/12/2023, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 40 lượt khách hàng, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lũy kế là 197 tỉ đồng, tổng dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại cuối kì báo cáo là 1.290 tỉ đồng.
NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La thường xuyên chỉ đạo các TCTD chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp. Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch TCTD phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Hệ thống ngân hàng tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia theo chỉ đạo của NHNN tại Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 và Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 03/6/2020 của UBND tỉnh Sơn La. Trong đó, tập trung vào việc phát triển mạng lưới các tổ chức cung ứng, kênh phân phối tài chính, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng sản phẩn, dịch vụ tài chính thuận tiện, chi phí hợp lý.
Ngoài ra, các TCTD cũng tích cực tham gia triển khai các chương trình giáo dục tài chính để triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, góp phần năng cao kiến thức, kĩ năng cho khách hàng nhằm bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, tài chính.
Hệ thống ngân hàng tỉnh Sơn La cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dịch vụ công, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ TTKDTM một cách thuận tiện, an toàn và hiệu quả. Qua số liệu tổng hợp từ các TCTD, lũy kế trong năm 2023, TTKDTM trên địa bàn đạt hơn 127 triệu món giao dịch với tổng giá trị đạt gần 545 nghìn tỉ đồng; số thẻ ATM gần 500 nghìn. Hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có diễn biến bất thường, không có vụ việc phát sinh.
Nhìn chung, hoạt động tín dụng trên địa bàn trong năm 2023 đã được các TCTD triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế ở tỉnh; các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng được triển khai tích cực trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý đề nghị của khách hàng... Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động. Do đó, đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Đồng chí Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La
điểm qua một số kết quả về kinh tế - xã hội trên địa bàn
Điểm qua một số kết quả về kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh năm 2023 đạt 34.506 tỉ đồng, tăng 0,75% so với năm trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.290 tỉ đồng, bằng 101% dự toán Trung ương giao, bằng 89% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 93% so với năm trước.
Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, tăng 6,9%, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8%. Những năm gần đây, Sơn La là vựa trái cây lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau Tiền Giang. Năm 2023, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 31.388 ha, tăng 4,4%; tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra đạt 84.160 ha, tăng 1,4% so với năm trước. Sản lượng thu hoạch cây ăn quả và cây sơn tra đạt 455.000 tấn, tăng 25,6% so với năm trước.
Đoàn nghiên cứu thực tế đã trao đổi với lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La và lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La về một số vấn đề quan tâm và những khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chiến lược phát triển trong thời gian tới.
TS. Trần Quang Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
phát biểu tại buổi làm việc
TS. Trần Quang Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La và các đơn vị liên quan đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ về tình hình kinh tế tỉnh Sơn La, tạo điều kiện, giúp đỡ Đoàn nghiên cứu thực tế hoàn thành chương trình công tác, đây là những kinh nghiệm, gợi ý cho mỗi học viên của Đoàn công tác có cái nhìn rõ nét hơn về phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La, để việc tiếp cận thông tin phục vụ viết bài thu hoạch sau chuyến thực tế. Đồng thời, tin tưởng với sự hỗ trợ tích cực của hệ thống ngân hàng sẽ đưa kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển bền vững.
Tập thể lớp Cao cấp lý luận chính trị K73.B23 chụp ảnh lưu niệm Chương trình an sinh xã hội tại bản Bôm Cưa, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Trước đó, Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp cao cấp lý luận chính trị K73.B23 đã thực hiện Chương trình an sinh, tham quan khu Di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Sơn La và một số mô hình kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đoàn đã trao tặng 20 suất quà an sinh (tổng trị giá 10.000.000 đồng) cho các gia đình chính sách, người có công, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Chiềng Mung; gắn biển công trình “Thắp sáng bản làng” gồm 25 cột và bóng đèn điện năng lượng mặt trời (tổng trị giá 50.000.000 đồng) tại bản Bôm Cưa, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tổng chiều dài tuyến đường 1,5 km.
Đoàn lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về những vết tích còn sót lại tại Di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Sơn La
Đoàn trao tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công, học sinh có hoàn cảnh khó khăn
tại xã Chiềng Mung
Đoàn gắn biển công trình “Thắp sáng bản làng” gồm 25 cột và bóng đèn điện năng lượng mặt trời
tại bản Bôm Cưa
Trong Khuôn khổ Chương trình, Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp cao cấp lý luận chính trị K73.B23 cũng tìm hiểu về quy trình sản xuất và chế biến cà phê tại Nhà máy sản xuất và chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La và mô hình trồng dâu tây đạt chuẩn OCOP 3 sao tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Tham quan nhà máy sản xuất và chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La, được xây dựng đạt tiêu chuẩn của BRC
Các học viên tham quan mô hình trồng dâu tây tại huyện Mai Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao
Chuyến nghiên cứu thực tế giúp các học viên của Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp cao cấp lý luận chính trị K73.B23 nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong phát triển kinh tế tại địa phương: Lý luận và thực tiễn luôn gắn bó mật thiết với nhau, nghiên cứu lý luận trong nhà trường là cơ sở để học viên vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra; giúp các học viên thấy được tính gần gũi giữa lý luận và thực tế, từ đó tạo niềm tin mạnh mẽ vào lý luận, vào các chủ trương, chính sách và quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực. Chuyến đi cũng giúp cho các thành viên hiểu biết hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên của đoàn công tác. Thực hiện tốt những yêu cầu này là góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ học tập lý luận chính trị; đồng thời còn giúp mỗi học viên trong các ngành và lĩnh vực khác nhau sẽ chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất, tham mưu các giải pháp phù hợp với đơn vị mình công tác.
Nguyễn Duyên
Lớp cao cấp lý luận chính trị K73. B23