Tìm hiểu hệ số Beta, ý nghĩa của hệ số Beta trong chứng khoán

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán luôn được đánh giá là kênh đầu tư lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Chính vì vậy, khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường rất cẩn trọng và có những tính toán chi tiết về mức độ rủi ro phải đánh đổi. Để tính được con số đó, nhà đầu tư sẽ dùng đến hệ số Beta.

Hệ số Beta và công thức tính

Hệ số Beta (β) còn gọi là hệ số rủi ro. Đây được xem là công cụ tính toán mức độ rủi ro của một cổ phiếu hay toàn bộ danh mục của các nhà đầu tư. Chỉ số này thể hiện độ tương quan của biến động của danh mục hoặc cổ phiếu so với toàn bộ thị trường, bằng cách so sánh sự thay đổi về giá.

Tìm hiểu hệ số Beta, ý nghĩa của hệ số Beta trong chứng khoán
Hình minh họa (nguồn internet)

Công thức tính hệ số Beta được quy định như sau:

Hệ số beta (β) = Cov (Re, Rm) / Var (Rm)

Trong đó quy ước:

Re: Tỷ suất sinh lời của chứng khoán e

Rm: Tỷ suất sinh lời của thị trường

Cov (Re, Rm): Hiệp phương sai giữa tỷ suất sinh lời chứng khoán e và tỷ suất sinh lời của thị trường

Var (Rm): Phương sai của tỷ suất sinh lời thị trường

Và tỷ suất sinh lời được tính như sau:

R = (P1-P0)/P0

Trong đó:

P1: Giá đóng cửa điều chỉnh phiên đang xét.

P0: Giá đóng cửa điều chỉnh phiên trước đó.

Tổng của beta của các cổ phiếu trong danh mục nhân với tỷ trọng của cổ phiếu đó sẽ là hệ số Beta chung của toàn bộ danh mục cổ phiếu.

Vậy hệ số Beta thường được tính toán khi nào? Thông thường hiện nay, hệ số Beta của một chứng khoán sẽ được tính dựa trên số liệu của 100 phiên giao dịch liên tiếp gần nhất với thời điểm cần tính.

Ở thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư có thể dựa vào sự thay đổi của thị trường (VN-Index) để phán đoán sự thay đổi trong cổ phiếu hoặc danh mục đầu tư thông qua hệ số Beta như sau:

Nếu β = 1: Mức độ biến động của giá chứng khoán bằng mức độ biến động của thị trường. Tức là chứng khoán tăng trưởng đều theo bước đi của thị trường.

Nếu β < 1: Mức độ biến động của giá chứng khoán sẽ thấp hơn mức độ biến động của thị trường. Tức là chứng khoán có sự biến động ít hơn sự thay đổi của thị trường.

Nếu β > 1: Mức độ biến động của giá chứng khoán cao hơn mức độ biến động của thị trường. Có nghĩa là cổ phiếu sẽ có khả năng sinh lời cao, đồng thời mức độ rủi ro cũng khá lớn. Ví dụ: Hệ số β của cổ phiếu B = 3 tức là khi thị trường tăng 10% thì cổ phiếu B sẽ tăng 30%.

Chỉ số β = 0: Khi một cổ phiếu có chỉ số Beta = 0 thì sự thay đổi giá trị của cổ phiếu hoàn toàn độc lập so với thị trường. Nếu dấu của Beta là ( – ) thì cổ phiếu sẽ có sự biến động ngược chiều so với thị trường chứng khoán và ngược lại.

Ý nghĩa của hệ số Beta

Phân tích hệ số Beta sẽ giúp các nhà đầu tư xác định đúng các đối tượng cổ phiếu phù hợp với khẩu vị của bản thân.

Hệ số Beta là yếu tố quan trọng trong mô hình định giá tài sản vốn CAPM, giúp các nhà đầu tư định giá và phân tích cổ phiếu.

Khi biết được giá trị hệ số Beta sẽ giúp nhà đầu tư so sánh được các mức độ biến động giá của cổ phiếu một doanh nghiệp so với mức độ biến động chung trên thị trường chứng khoán. Từ đó, đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.

Hệ số Beta thể hiện được mối quan hệ giữa mức độ rủi ro của cổ phiếu (tài sản riêng lẻ) so với sự biến động chung của thị trường. Hệ số Beta sẽ thay đổi khi nền kinh tế có sự thay đổi.

Diệp Quỳnh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục