Ngày 14/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) và UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS) lần thứ I.
Với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn trao đổi thường niên của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về tập trung phát triển KTS và XHS tại Việt Nam theo Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự kiện thu hút hơn 1.000 đại biểu cấp cao phụ trách chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đến từ khối chính phủ, tài chính – ngân hàng, viễn thông, bán lẻ & thương mại điện tử,…
Nhiều điểm sáng…
Phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban KTTW Trần Tuấn Anh cho biết, tỷ trọng đóng góp của KTS vào GDP ngày càng tăng. Theo ước tính và báo cáo của Bộ TT&TT, tỷ trọng KTS trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Báo cáo thường niên KTS e-Connomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng KTS Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.
Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, điểm sáng mới trong phát triển XHS ở các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 là một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh, có thể kể đến như Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang…
Bắt tay vào sử dụng công nghệ số để làm việc của mình một cách khác đi
Theo Trưởng ban KTTW, mặc dù kết quả đạt được là rất tích cực nhưng thực tiễn phát triển KTS, XHS thời gian qua vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đó là: Số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi chưa nhiều. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. Những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhận thức, thói quen của người dân còn chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền KTS; Việc ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn chậm...
“Mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong Chiến lược phát triển KTS và XHS là đến năm 2030 KTS chiếm 30% GDP. Đây là mục tiêu cao và rất thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải pháp đột phá để thực hiện…”, Trưởng ban KTTW Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Mạnh Hùng tính toán: Để đạt mục tiêu KTS trong GDP chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, KTS phải tăng trưởng gấp 3- 4 lần GDP, tức là 20- 25%/năm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới; nguồn lực và lực lượng sản xuất mới cũng như yếu tố sản xuất mới.
“Không gian mới chính là KTS; Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; còn động lực mới là đổi mới sáng tạo số…”, Bộ trưởng phân tích.
Đồng thời chỉ ra một loạt vấn đề để phát triển KTS Việt Nam. Đó là phải dựa trên ĐMST số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp KTS vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài Cái khó nhất của CĐS,
“KTS lại là một việc rất đơn giản, đó là đặt câu hỏi đúng và mang đi hỏi. Nhưng để hỏi được thì đầu tiên lại phải bắt đầu từ làm. Vậy hãy bắt tay vào sử dụng công nghệ số để làm việc của mình một cách khác đi…”, Bộ trưởng đưa ra lời khuyên.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển KTS và XHS lần thứ I gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề về các vấn đề liên quan như: Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền KTS; Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy KTS, XHS toàn dân, toàn diện; Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển KTS và XHS được chủ trì bởi lãnh đạo các ban, bộ ngành liên quan.
Song song với chương trình Hội thảo, Triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển KTS với sự tham gia của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay như Viettel, VNPT, Misa, Mobifone, FPT, Shopee, VNPay,… Các giải pháp nổi bật được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: thanh toán kỹ thuật số/ví điện tử; thanh toán tiếp xúc và không tiếp xúc EMV và non-EMV; NFC (Kết nối trường gần); hệ thống thanh toán di động; chữ ký số; công nghệ chuỗi khối; thương mại điện tử; hệ sinh thái số; Blockchain; an toàn thông tin,…
Thanh Thanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|