Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm

(Banker.vn) Sau khi hồi phục từ vùng đáy, thị trường chứng khoán đang rơi vào vùng trũng thông tin. Nếu không chọn đúng cổ phiếu, nhóm ngành có thông tin tích cực hỗ trợ trong thời gian tới, rất có thể nhà đầu tư sẽ bị kẹt vốn kéo dài.

Bất động sản khu công nghiệp: Còn đất thương phẩm “mới nổi”

Giải ngân FDI 6 tháng năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là thông tin kích hoạt nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp phục hồi từ vùng đáy trước thị trường. Nhưng hiện tại, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công - TCSC cho rằng, đã qua thời điểm tất cả các cổ phiếu ngành này đều tăng theo tin tốt về ngành vì mặt bằng giá đã không còn rẻ như trước.

Những doanh nghiệp có đất thương phẩm sẵn sàng cho thuê mới sẽ nổi lên dẫn dắt cuộc chơi. Đặc biệt, nếu chủ đầu tư có thế mạnh phát triển các khu công nghiệp đô thị dịch vụ sẽ có ưu thế lớn hơn.

Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm

Các doanh nghiệp có khu công nghiệp đang chờ đợi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì được vào danh mục theo dõi, còn những doanh nghiệp đã hết diện tích cho thuê và đang nghiên cứu dự án mới không phải là mã được chú ý, “sẽ chìm xuống”.

Năm ngoái, hoạt động cho thuê khu công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19, nhưng sang năm nay, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành này tốt hơn rất nhiều, tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.

Hầu hết các cổ phiếu khu công nghiệp đã hồi phục 30% trở lên từ đáy, trong khi thị trường chung mới chỉ hồi phục hơn 10%. Thậm chí, các cổ phiếu như BCM, VGC đã gần quay lại đỉnh cũ. Do đó, có thể thấy một phần kỳ vọng đã phản ánh vào giá và định giá ngành này cũng không còn quá rẻ.

Bà Ngô Thị Kim Thanh, chuyên gia cao cấp chiến lược đầu tư, Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp khu công nghiệp niêm yết trong nửa cuối năm sẽ tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu đất công nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế mở cửa và giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8 - 20% so với cùng kỳ.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế của BCM dự kiến tăng 239% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ chuyển nhượng 18,9 ha đất thương mại tại Thành phố mới Bình Dương cho Capital Land; lợi nhuận sau thuế của IDC dự kiến tăng 186% so với cùng kỳ nhờ thay đổi phương pháp hạch toán từ ghi nhận đều sang ghi nhận một lần tại Khu công nghiệp Phú Mỹ mở rộng và cho thuê mới tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh.

Nếu thương vụ mua bán 30 ha tại Khu đô thị Tràng Cát thành công, lợi nhuận ròng của KBC trong 6 tháng cuối năm 2022 dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

“Do đó, các kỳ vọng này tiếp tục sẽ được duy trì tại các doanh nghiệp còn quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn như IDC, BCM, KBC, VGC”, bà Thanh chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý II thì khoảng 2 tháng nữa mới công bố kết quả quý III. Trong thời gian này, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp còn quỹ đất thương phẩm lớn, có khả năng ghi nhận lợi nhuận tiếp có thể có sóng trong giao dịch, không chỉ là sóng lên.

Cổ phiếu ngân hàng: Khoảng lặng của room kéo dài

Sau thời gian dài chờ đợi, tuần qua, cổ phiếu ngân hàng được chú ý bởi thông tin lan truyền về cấp lại room tín dụng tỷ lệ 3% và cao hơn với 4 ngân hàng quốc doanh lớn, nhưng việc chưa có thông tin chính thức kéo dài khoảng lặng hết room cho vay. Đồng thời, e ngại về nợ xấu và khả năng tăng lãi suất điều hành như khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới khiến dòng tiền phân vân khi nhóm ngành này đã hồi phục khoảng 10 - 20% từ vùng đáy.

Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, SSI Research cho biết, định giá của nhóm ngành ngân hàng vẫn đang thấp hơn bình quân 5 năm trở lại đây, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành này dự báo sẽ vẫn ấn tượng trong nửa cuối năm (tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái).

Áp lực nợ xấu từ nợ tái cơ cấu Covid-19 là không lớn ở những ngân hàng đã trích lập nhiều cho những khoản này từ năm 2021, trong khi rủi ro nợ xấu liên quan đến bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp chưa hiện hữu ngay trong nửa cuối 2022.

Do đó, SSI Research cho rằng triển vọng ngắn hạn (6 tháng cuối năm) là tương đối tích cực với các cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa các cổ phiếu. SSI Research vẫn ưa thích những ngân hàng có bộ đệm dự phòng mạnh và không chịu ảnh hưởng lớn khi hết thời hạn tái cơ cấu nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid. Ngoài ra, những cổ phiếu có tiến triển trong kế hoạch tăng vốn và phát hành riêng lẻ cũng sẽ thu hút được dòng tiền.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thành Trung, P/B của nhóm này dao động khoảng 1,3 - 1,5 lần, khá thấp so với giai đoạn thị trường ổn định nên vẫn hấp dẫn. Room tín dụng là “chất xúc tác” quan trọng cho nhóm này trong thời gian tới. Nếu lạm phát quay trở lại mức thấp thì khả năng room tín dụng sẽ được cấp thêm, từ đó sẽ là động lực cho nhóm cổ phiếu này.

“Cổ chứng” có thể đầu tư được

Đã giảm sâu nên nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có sự phục hồi khá tốt trong thời gian qua, với không ít phiên tăng trần ở một số mã. Với đà hồi phục của thị trường, dự báo tình hình kinh doanh quý III của nhóm này sẽ tích cực hơn so với quý II.

Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên gia phân tích, SSI Research đánh giá, trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8, nhóm chứng khoán đã ghi nhận mức tăng mạnh, khi mức độ chiết khấu từ đầu năm đã tăng lên rất cao và ngành đón nhận một số thông tin tích cực về giao dịch T+1,5 và sự khởi động lại của việc tăng vốn hay sự cải thiện của thanh khoản thị trường.

Về triển vọng ngắn hạn, tiềm năng tăng giá sẽ không quá lớn khi kết quả kinh doanh trong quý III có khả năng thấp hơn so với cùng kỳ, thời điểm lợi nhuận có mức nền cao.

TCSC cho rằng, cần đánh giá chi tiết hơn về hoạt động kinh doanh, cơ cấu doanh thu lợi nhuận của từng công ty, xem xét từng khoản đầu tư, dư nợ margin…, ngoài ra xem xét định giá của các cổ phiếu.

Với công ty chứng khoán Top đầu, hiện tại, P/B quanh 1,5 - 2 lần vẫn có thể đầu tư được và cân nhắc để phù hợp với từng cá nhân nhà đầu tư.

Một vài công ty quy mô nhỏ hơn, biến động mạnh theo thị trường nhưng đang giao dịch thấp hơn đáng kể so với giá trị sổ sách trong khi đã trích lập dự phòng đầy đủ và danh mục đầu tư gồm cổ phiếu chất lượng cũng đáng quan tâm.

Nhưng những mã đã tăng nóng như VIX, tăng từ hơn 7.000 đồng lên hơn 14.000 đồng/cổ phiếu, bằng giá trị sổ sách đã vào vùng quá mua là đáng ngại.

Khó giao dịch, dễ đầu tư

Khi thị trường vào vùng trũng thông tin có thể là khó khăn với hoạt động giao dịch kiếm lời ngắn hạn, nhưng lại là cần thiết cho hoạt động đầu tư, với tầm nhìn chiến thắng thị trường từ nay đến cuối năm khi các cổ phiếu tiềm năng trong giai đoạn tích lũy.

Ông Thái Gia Hào, chuyên gia phân tích cao cấp, SSI Research cho rằng, ngành công nghệ thông tin và viễn thông vẫn có mức định giá hấp dẫn với mức tăng trưởng ổn định và hai cổ phiếu tiềm năng cho ngành này là FPT và CTR

Đối với ngành công nghệ thông tin, theo dự báo của tổ chức nghiên cứu thị trường IDC thì nhu cầu chi tiêu cho dịch vụ chuyển đổi số ước tính đạt mức tăng trưởng kép gần 17% trong giai đoạn 2022 - 2025 (cao hơn so với mức 14% ở giai đoạn 2019 - 2022).

Ngoài ra, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu, ông Hào kỳ vọng FPT có thể phát huy lợi thế về chi phí thấp vì kiểm soát chi phí là yếu tố cần được ưu tiên. SSI Research vẫn ưa thích FPT do mô hình kinh doanh của tập đoàn này không chỉ có động lực tăng trưởng từ mảng công nghệ mà còn có mảng viễn thông tạo ra dòng tiền khá ổn định.

Đối với ngành viễn thông, theo Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục đang triển khai các công tác liên quan về đấu giá băng tần 2,3 -2,4 GHz cho mạng 4G; băng tần 2,6 GHz và 3,5 GHz cho mạng 5G và dự kiến triển khai tổ chức đấu giá vào tháng 7/2023 và hoàn thành vào tháng 12/2023. Đây có thể là một trong những động lực mới cho ngành viễn thông nói chung, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Công trình Viettel (mã CTR) nói riêng.

Trong khi đó, Mirae Asset đưa ra khuyến nghị với ngành tiện ích (cụ thể là điện) và nhóm xây dựng hạ tầng.

Theo thống kê của Fiinpro, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ngành tiện ích đạt bình quân 54% trong 6 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên thị giá cổ phiếu đến thời điểm hiện tại chủ yếu đi ngang hoặc giảm 10% so với thời điểm đầu năm. Quý III/2022, khi không còn ảnh hưởng giãn cách xã hội như cùng kỳ năm ngoái,

Mirae Asset Việt Nam cho rằng, nhóm ngành này sẽ tiếp tục tăng tốc và qua đó kỳ vọng diễn biến thị giá sẽ thu hẹp dần so với khả năng cải thiện lợi nhuận.

Với nhóm xây dựng hạ tầng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thường tập trung vào 6 tháng cuối năm (74 - 78%). Kết hợp với các thông tin tích cực liên quan đến việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105, triển khai Nghị quyết số 57/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM, kỳ vọng nhóm này sẽ thu hút sự chú ý của thị trường trong thời gian tới.

Còn theo ông Trung, TCSC ít quan sát đầu tư theo nhóm ngành, mà tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu. Với chiến lược đó, TCSC đưa ra 2 kế hoạch đầu tư chính trong thời gian qua là: những cổ phiếu có tài sản nhiều và được định giá hấp dẫn trong thời gian điều chỉnh vừa qua; những cổ phiếu được trả cổ tức cao (tỷ suất cổ tức từ 8 - 10%).

VDSC: 3 chủ đề đầu tư tích cực và danh mục cổ phiếu cuối năm 2022

VDSC đã đưa ra 3 chủ đề đầu tư tích cực cho các nhà đầu tư, bao gồm: lạm phát tạo đỉnh trong nửa cuối ...

Nhận định chứng khoán ngày 25/8/2022: Thị trường giằng co quanh vùng 1.270-1.275 điểm

VN-Index kết phiên tăng điểm và tạm thời dừng bước trước mốc kháng cự ngắn 1.280 điểm đã được thiết lập vào tuần trước, điều ...

Thị trường chứng khoán ngày 25/8/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Mốc 1.280 tiếp tục làm khó VN-Index; Cổ phiếu PVH tiếp tục bị hạn chế giao dịch trên UPCoM; Hơn 162 triệu cổ phiếu SHS ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán