Tiểu thương chợ truyền thống Đà Nẵng loay hoay livestream bán hàng

(Banker.vn) Mặc dù đã được tập huấn và hướng dẫn, tuy nhiên, các tiểu thương chợ Cồn (TP. Đà Nẵng) vẫn chưa tự thực hiện livestream bán hàng và còn gặp khó về công nghệ.
Đà Nẵng: Livestream bán hàng tại chợ truyền thống “Bùng nổ” ngành công nghiệp livestream bán hàng: Doanh nghiệp có dễ tiếp cận?

Mong muốn livestream bán hàng nhưng…

Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã chuyển mạnh từ mua sắm trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online) kể từ đại dịch Covid – 19. Điều này tác động trực tiếp đến các tiểu thương bán hàng ở các chợ truyền thống tại TP. Đà Nẵng, nhất là các tiểu thương ngành hàng quần áo, giày dép.

Tiểu thương chợ truyền thống Đà Nẵng loay hoay livestream bán hàng
Tiểu thương Trần thị Thông (bên trái) được VECOM tại Đà Nẵng hướng dẫn đứng livestream bán hàng

Hỗ trợ tiểu thương bán hàng trên nền tảng số bắt kịp xu hướng tất yếu, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại Đà Nẵng đã tổ chức training kỹ năng bán hàng cũng như hỗ trợ tiểu thương chợ Cồn bán hàng qua livestream (phát trực tiếp). Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai hầu như chưa có tiểu thương nào thực hiện.

Tiểu thương Trần Thị Thông (quầy giày dép, Kiot 66 – 68 chợ Cồn) cho biết, bản thân đã có tham gia các nhóm bán hàng trên zalo, có tài khoản bán hàng trên TikTok. “Cũng muốn tham gia vào nền tảng TikTok để livestream bán hàng cho hàng hóa có thêm kênh lưu thông, cũng là một cách quảng bá về quầy, lô bán hàng của mình trên mạng để du khách đến Đà Nẵng có thể tìm đến mình để mua hàng”, cô Thông nói.

Tiểu thương chợ truyền thống Đà Nẵng loay hoay livestream bán hàng
Tiểu thương Trần Thị Thông: "Nhiều lúc đăng sản phẩm bán hàng trên Tiktok xong rồi tìm không thấy nó ở mục nào"

Nhưng, một phần chưa quen với việc nói năng trước điện thoại; một phần nhiều hơn là chưa biết sử dụng các tính năng khi thực hiện bán hàng trực tuyến nên cô Thông vẫn chưa tự thực hiện được. “Giữa tháng 7/2024, cô được VECOM tại Đà Nẵng hỗ trợ bán hàng qua livestream. Cô thấy cũng hiệu quả nhưng đấy là có người hỗ trợ. Còn nếu tự làm thì không tự tin vì lần đầu tiếp xúc với công nghệ”, cô Thông chia sẻ và cho biết, công nghệ là khó khăn lớn mà các tiểu thương lớn tuổi như cô gặp phải khi muốn livestream. “Hôm bữa cô đăng 10 sản phẩm lên. Xong rồi không lại mất đâu hết. Lúc rảnh rỗi cô cũng ngồi đăng bài những xong không tìm thấy nó ở mục nào”, cô Thông nêu tình huống đã trải qua và cho biết, cô dự định sẽ livestream bán hàng trong thời gian tới, nhưng cần 1 người hỗ trợ chứ không tự làm toàn bộ được.

Tiểu thương chợ truyền thống Đà Nẵng loay hoay livestream bán hàng
Tiểu thương Hoàng Thị Kim Anh (ở giữa) đứng tập livestream bán hàng có sự hỗ trợ của host livestream

Tương tự, cô Hoàng Thị Kim Anh (quầy quần áo, lô 63 – 65 chợ Cồn) cũng nhận thấy lượng khách đến chợ mua trực tiếp đã giảm đáng kể và xu hướng bán hàng trực tuyến phát triển. Vì vậy, ngay từ 3 năm trước cô đã tập bán hàng trực tuyến thông qua các nhóm zalo, nhưng phần lớn bán cho khách quen. “Giờ cô muốn tiếp cận thêm kênh bán hàng livestream để tìm kiếm, mở rộng tệp khách hàng. Nhưng nhiều khó khăn quá. Việc bán hàng thì vô chừng, lúc ít khách, lúc đông khách, mình không chủ động được thời gian để bán. Bên cạnh đó, cô vẫn chưa quen việc tư vấn sản phẩm cho khách khi bán livestream”, cô Kim Anh nói và bổ sung thêm: "Đăng một giỏ hàng còn nhiều công đoạn. Phải chụp hình ảnh trước sau, quay video. Rồi phải có đủ thông số sản phẩm như màu sắc, độ co giãn, chiều dài, rộng, rồi size nào cho khách nào…. Nếu vừa bán hàng trực tiếp vừa bán livestream thì khó mà làm được”.

Sẽ hỗ trợ tiểu thương ra được kết quả

Ông Võ Văn Khanh – Chi hội trưởng VECOM tại Đà Nẵng cho biết, trong tháng 7/2024, VECOM tổ chức nhiều lần livestream trực tiếp tại quầy hàng của tiểu thương. Trong mỗi lần phát trực tiếp sẽ có host (người đứng live) và tiểu thương quầy hàng đó sẽ tham gia trực tiếp vào phiên live để làm quen với cách thức live. Bên cạnh đó, VECOM phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng đặt bàn tư vấn tại chợ để tiểu thương nào có nhu cầu thì sẽ có người hỗ trợ. Đến hết tháng 7/2024, VECOM và Sở sẽ tổng kết lại kết quả và có hướng triển khai trong thời gian tới.

Tiểu thương chợ truyền thống Đà Nẵng loay hoay livestream bán hàng
Livestream bán hàng được xem là một trong những giải pháp để gỡ khó cho tiểu thương trước áp lực cạnh tranh với xu thế bán hàng mới

“Chúng tôi cố gắng để việc hỗ trợ tiểu thương livestream bán hàng tại chợ Cồn phải ra được kết quả, có hiệu quả. Hiện cũng có nhiều chợ trên địa bàn thành phố liên hệ với VECOM nhờ hỗ trợ tiểu thương livestream nhưng chúng tôi chưa nhận lời vì để xem kết quả tại chợ Cồn ra sao để điều chỉnh cho hiệu quả rồi mới hỗ trợ cho các chợ khác”, đại diện VECOM cho hay và thông tin thêm, đơn vị không hỗ trợ đại trà mà tập trung vào hỗ trợ những tiểu thương đã sẵn sàng ứng dụng chuyển đổi số vào bán hàng, đặt mục tiêu những tiểu thương được “cầm tay chỉ việc” sẽ thực hiện livestream bán hàng thành công.

Theo ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, việc tổ chức hỗ trợ tiểu thương livestream bán hàng góp phần thông tin quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tại 04 chợ hạng 1 (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hoà Cường) và các chợ truyền thống khác trên địa bàn Đà Nẵng, thu hút khách hàng trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm tại các chợ truyền thống; từng bước tháo gỡ khó khăn trước áp lực cạnh tranh với xu thế bán hàng mới. Thí điểm bán hàng qua livestream tại chợ Cồn cũng nhằm đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống cập nhật kiến thức, kỹ năng thích ứng và áp dụng các giải pháp thương mại điện tử, làm mô hình thí điểm để nhân rộng tại các chợ truyền thống khác.

Tiểu thương chợ truyền thống Đà Nẵng loay hoay livestream bán hàng
Xu hướng mua sắm tiêu dùng trực tiếp giảm khiến nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng rơi vào tình cảnh ế khách

“Trước mắt việc hỗ trợ bán hàng qua livestream sẽ thực hiện thí điểm tại chợ Cồn để xem hiệu quả ra sao. Bên cạnh đó, Sở sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ cách thức bán hàng này đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố”, ông Trừ nói.

Dự kiến, tại Hội chợ Thương mại, Đầu tư, Du lịch Hành hang kinh tế Đông Tây (diễn ra vào tháng 8/2024), Sở Công Thương TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động livestream quảng bá, bán hàng đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng của thành phố.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục