Tiêu thụ nông sản gắn với du lịch: Thêm lợi ích kép

(Banker.vn) Tiêu thụ, kết nối thị trường cho nông sản qua hoạt động du lịch là hướng đi đang được nhiều địa phương tích cực triển khai, đẩy mạnh.
Hải Dương: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản với các doanh nghiệp nước ngoài Kết nối quảng bá, xúc tiến tiêu thụ mận hậu và nông sản sạch tỉnh Sơn La

Sẵn sàng mùa du lịch vải thiều

Tháng 5, bắt đầu vào mùa vải thiều hàng năm, Sở Công Thương phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, UBND huyện Thanh Hà vừa khởi động Chương trình “Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - Hành trình cùng các tour du lịch”. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch có ý nghĩa thiết thực, không chỉ đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương mà còn mở thêm kênh kết nối thị trường tiêu thụ trong nước với thị trường nước ngoài thông qua hoạt động du lịch, lữ hành đối với vải thiều Hải Dương.

Tiêu thụ nông sản gắn với du lịch: Thêm lợi ích kép
Du lịch mở thêm kênh xúc tiến thị trường, tiêu thụ cho vải thiều. Ảnh: TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương - bà Vũ Thị Kim Phượng, hoạt động xúc tiến thương mại kết nối thị trường tiêu thụ trong nước với thị trường nước ngoài thông qua hoạt động du lịch, lữ hành có vai trò hết sức quan trọng.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành đóng vai trò là kênh quảng bá, giới thiệu trực tiếp sản phẩm vải thiều Thanh Hà tới người tiêu dùng trong và ngoài nước rất hiệu quả. Thông qua các các hoạt động du lịch, lữ hành, du khách trong nước và quốc tế không chỉ biết đến quả vải thiều Thanh Hà nhiều hơn mà còn là cơ hội giúp vải thiều tiêu thụ các thị trường cao cấp trên thế giới.

Cùng với Hải Dương, tỉnh Bắc Giang cũng đang bước vào ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều 2024. Để khai thác, mang lại một vụ mùa thành công, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khảo sát xây dựng tour du lịch mùa vải thiều Bắc Giang năm 2024 trong hai ngày 27, 28/5 với sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành, cơ quan chức năng. Chương trình khảo sát điểm du lịch, các vườn vải sớm ở Phúc Hoà, Tân Yêu, vườn sâm Núi Dành; các vườn vải Lục Ngạn... có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP có diện tích lớn, vườn quả sai, đi lại thuận tiện... Thông qua chương trình, Bắc Giang mong sớm đón được nhiều du khách đến với địa phương mùa vải chín năm nay.

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nhất là vải thiều đã được Hải Dương thực hiện từ nhiều năm nay. Hàng năm, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên xây dựng các tour hoặc tổ chức đón đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm vườn vải, tham quan các mô hình trồng vải và cùng hái vải với nông dân… Trong 3 năm 2021-2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch lớn trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khách đến tham quan vườn vải... qua đó góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu vải thiều.

Đến nay, không chỉ Bắc Giang, Hải Dương là những điển hình thành công trong việc mở tour mùa vải thiểu, mà nhiều địa phương trên cả nước cũng tăng cường triển khai thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm, nông sản theo hướng tăng trưởng xanh, thu hút sự quan tâm và hút khách du lịch. Như, tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu; du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…

Việc đẩy mạnh khai thác du lịch gắn với tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại các tác động tích cực, phù hợp với xu thế phát triển của du lịch mà còn tạo được đầu ra bền vững, kênh tiêu thụ hiệu quả cho nông sản của nhiều địa phương.

Số hoá du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách

Bên cạnh những lợi thế để khai thác loại hình du lịch kết hợp với thụ nông sản, nhiều địa phương gặp hiện gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đơn cử như Bắc Giang dù là địa phương có ưu thế về du lịch nông thôn với miệt vườn cây trái trù phú tại huyện Lục Ngạn có thể khai thác các tour du lịch trải được hầu như quanh năm. Các tuyến liên kết vùng của Bắc Giang cũng có thể được mở rộng khi hệ thống giao thông được hoàn chỉnh đồng bộ, tuy nhiên nhiều đơn vị đánh giá, tại một số điểm đến của Bắc Giang các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách còn thiếu đó là dịch vụ lưu trú, ăn uống và giải trí… Đặc biệt, do mùa vải diễn ra vào mùa nắng nóng đường giao thông kết nối tới các nhà vườn nhỏ hẹp, các xe du lịch lớn hầu như khó tiếp cận...

Trước nhu cầu và xu hướng khám phá du lịch miệt vườn, du lịch xanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng mong muốn đưa du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành một ngành kinh tế, một hướng đi mới sau đại dịch Covid-19, không chỉ tập trung vào các đô thị lớn và khu du lịch lớn. Mặt khác, theo ông việc phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nêu quan điểm, để xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Việt Nam, cần sự hợp tác giữa các ngành liên quan với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, cần tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Nâng cao chất lượng các điểm lưu trú để du khách có nhiều trải nghiệm, tương tác với đời sống của người dân địa phương.

Đặc biệt, trong xu thế số hoá hiện nay, để du lịch nông nghiệp phát triển và có sức hút với khách du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng chỉ rõ, giải pháp kết nối nhanh sản phẩm nông nghiệp nông thôn tới thị trường khách du lịch là ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, đây còn là sự kết nối, vận dụng các hoạt động truyền thống với các ứng dụng mới như quảng cáo trực tuyến, booking online (đối với tour, homestay, ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm...) nhằm đưa đến cho khách du lịch những trải nghiệm tốt nhất.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, việc xây dựng, phát triển các kênh phân phối, sàn giao dịch trực tuyến kết nối với thị trường gửi khách phục vụ riêng cho quảng bá điểm đến và thúc đẩy sản phẩm du lịch nông thôn. Cùng với đó, cần tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình, điểm du lịch cộng đồng trực tiếp đăng ký, chào bán sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở kết nối với các kênh thông tin, xúc tiến quảng bá của ngành du lịch và ngành nông nghiệp, kết hợp với thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương thông qua hoạt động du lịch.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương