Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu hạ xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Nguyên nhân chính là bởi nhà đầu tư băn khoăn về triển vọng nhu cầu năng lượng thấp tại Mỹ và Trung Quốc còn sản lượng dầu tại Mỹ hiện đang ở gần ngưỡng cao kỷ lục.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai giảm 25 cent xuống 74,05USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao hợp đồng tương lai giảm 4 cent xuống 69,34USD/thùng. Cả hai loại giá dầu như vậy rơi xuống ngưỡng thấp nhất tính từ cuối tháng 6/2023.
Lần đầu tiên trong nửa năm, giá dầu Brent giao hợp đồng gần nhất có mức giá thấp hơn so với hợp đồng giao sau 6 tháng, đây được coi là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tin rằng thị trường đã bị quá cung.
“Khi mà một nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc giảm nhu cầu với dầu, áp lực lên giá tăng cao. Cùng lúc đó, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng sản lượng”, chuyên gia phân tích thuộc quỹ PVM Oil – ông John Evans phân tích.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu thô tại Mỹ đang trung bình khoảng hơn 13 triệu thùng dầu/ngày.
Trong tuần trước, dự trữ xăng tại Mỹ tăng 5,4 triệu thùng lên 223,6 triệu thùng, mức tăng của dự trữ xăng như vậy cao gấp bốn lần con số 1 triệu thùng theo kỳ vọng của các chuyên gia.
Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô tháng 11/2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho cao, số liệu kinh tế kém lạc quan và nhu cầu dầu từ phía các doanh nghiệp lọc dầu tư nhân Trung Quốc giảm đi.
Tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc mới đây đã ghi nhận một số diễn biến mới. Tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm so với tháng liền trước, tuy nhiên, xuất khẩu lại tăng lần đầu tiên trong 6 tháng. Thực tế này khiến nhiều người tin rằng việc dòng chảy thương mại toàn cầu cải thiện đang hỗ trợ quan trọng cho lĩnh vực sản xuất.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody mới đây đã cảnh báo về triển vọng tín nhiệm của Hồng Kông, Macao và nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng như ngân hàng Trung Quốc. Chỉ một ngày trước, Moody cảnh báo về triển vọng tín nhiệm Trung Quốc.
Tính từ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước liên minh (OPEC+) thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý I/2024.
“Thị trường dường như tin rằng họ không tin OPEC+ sẽ có khả năng tiếp tục cắt giảm được sản lượng”, chuyên gia phân tích tại quỹ Price Futures Group ở Chicago – ông Phil Flynn chỉ ra.
Vào ngày thứ Năm, hai nước Saudi Arabia và Nga đã kêu gọi tất cả các thành viên OPEC+ cùng hợp tác trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Mohammed Bin Salman vào ngày thứ Tư đã bàn thảo đến việc tiếp tục hợp tác hơn nữa trong việc gây ảnh hưởng đến giá dầu. Thành viên khác thuộc OPEC+ là Algeria công bố sẽ không kéo dài hoặc chấp nhận hạ sản lượng sâu hơn.
Ngày thứ Ba tuần này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak công bố nhóm này sẵn sàng tăng cường cắt giảm nguồn cung dầu trong quý I/2024.
Nga đã cam kết công bố thêm dữ liệu về khối lượng dầu thô mà nước này xử lý và xuất khẩu sau khi OPEC+ đề nghị Nga minh bạch hơn về hoạt động xuất nhập khẩu, theo các nguồn tin từ OPEC+ và các công ty vận chuyển.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày thứ Năm các cổ phiếu đồng loạt tăng điểm, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones và S&P 500 như vậy phá vỡ được chuỗi phiên mất điểm liên tiếp. Tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn khi báo cáo thị trường việc làm Mỹ chuẩn bị được công bố.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 4.585,59 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 62,95 điểm tương đương 0,17% lên 36.117,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,37% lên 14.339,99 điểm, cổ phiếu công nghệ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Cổ phiếu Công ty Alphabet sở hữu Google tăng hơn 5% bởi nhà đầu tư chào đón mô hình trí tuệ nhân tạo mới ra mắt có tên Gemini của công ty. Trong xu thế chung của thị trường, cổ phiếu Nvidia và AMD đồng thời tăng lần lượt 2% và 9%.
Đăng Tuấn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|