Thông báo nêu rõ, năm 2015, Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững với 17 nhóm gồm 169 mục tiêu cụ thể. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là 4 nhóm mục tiêu: 1- Nạn đói cơ bản giải quyết; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 10% năm 2015 còn dưới 3% năm 2020; 2- Chất lượng giáo dục và đào tạo được cải thiện và được xếp hạng khá cao so với các nước có cùng trình độ phát triển: giáo dục phổ thông xếp thứ 38 trong tổng số 174 nền kinh tế; giáo dục đại học top 70...; 3- Chiến lược và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng, năng lượng sạch, ứng phó thảm họa được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả; 4- Hợp tác quốc tế một cách chủ động, tích cực và hiệu quả.
Việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong các ngành, lĩnh vực đã đóng góp tích cực vào cải thiện thứ hạng phát triển bền vững của Việt Nam (từ 88 năm 2016 lên 68 năm 2017, 57 năm 2018, 54 năm 2019 và 49 năm 2020) trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người chưa vượt qua vị trí thứ 100. Đây là kết quả tích cực, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Liên Hợp Quốc lựa chọn Việt Nam trong số 10 quốc gia được chia sẻ với thế giới về kinh nghiệm phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả tích cực, đến nay còn một số chỉ tiêu chưa đạt, nhất là các mục tiêu có yêu cầu cao về nguồn lực và thời gian thực hiện trong điều kiện Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nhiều nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhưng cũng không ít nơi còn nhận thức chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc thực thi nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng đề nghị các Thành viên Hội đồng cần cập nhật thực trạng này, có ý kiến góp ý với tập thể lãnh đạo cơ quan để khắc phục sớm bất cập.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu giao các chỉ tiêu phát triển bền vững đến tận địa phương.
Giao Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện bộ công cụ đánh giá kết quả thực hiện phù hợp với đặc điểm vùng, miền, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển để chủ động điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển bền vững, trong đó lưu ý làm rõ yêu cầu cụ thể về phát triển bền vững đối với từng loại hình tổ chức, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng nhất trí giao Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ trì xây dựng bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp phát triển bền vững; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có giải pháp phù hợp để phát triển cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các Thành viên Hội đồng, hoàn chỉnh Báo cáo công bố trong tháng 1/2021.
A.L
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|