Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới

(Banker.vn) Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng của Đảng. Phát huy truyền thống vẻ vang 94 năm công tác dân vận (15/10/1930 - 15/10/2024), cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của Đảng đã phát huy hiệu quả công tác dân vận; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng của Đảng. Phát huy truyền thống vẻ vang 94 năm công tác dân vận (15/10/1930 - 15/10/2024), cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của Đảng đã phát huy hiệu quả công tác dân vận; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước ngày một vững mạnh.
 
 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm tuy ngắn gọn, nhưng chứa đựng quan điểm mang tầm chiến lược về vai trò của Nhân dân, vấn đề dân chủ, vị trí, phương pháp, cách thức vận động Nhân dân, có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với công tác dân vận của Đảng. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, tháng 10/1999, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để cùng nhau học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận.
 
Công tác dân vận của Đảng đã đạt những thành tựu to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trước muôn vàn khó khăn gian khổ, ác liệt, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào dân, gắn bó với dân, tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức, tập hợp Nhân dân vào mặt trận, tham gia các đoàn thể và nhiều tổ chức cách mạng, để nhân lên sức mạnh vô địch, đánh thắng mọi kẻ thù, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác dân vận, trọng tâm là: Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương… Cùng với đó, nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... được ban hành đồng bộ, là nền tảng để công tác dân vận ngày càng phát huy vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc, phát huy vai trò chủ thể và sức mạnh của Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cả hệ thống chính trị ngày càng đồng bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng. 
 
Các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời quán triệt, thể chế hóa, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và các cấp phù hợp thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; trong đó, chú trọng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, coi Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Quan tâm, đổi mới công tác dân vận; hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; tích cực chuyển đổi số; sử dụng báo chí, truyền thông, mạng xã hội, internet để vận động, tuyên truyền; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của Nhân dân; nêu cao vai trò giám sát, phản biện; phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước… 
 
Ban Dân vận Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, trong đó, đã tham mưu ban hành các nghị quyết, kết luận, quyết định góp phần hoàn thiện thể chế về công tác dân vận. Ban Dân vận các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận; hướng dẫn và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hoàn thành tốt nhiệm vụ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận ngày càng trưởng thành, có thêm kinh nghiệm thực tiễn và tiếp tục đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động Nhân dân. 
 
Cùng với đó, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhất là người đứng đầu tiếp tục được nâng lên. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh gắn với nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng “chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, tích cực chuyển đổi số. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát, góp ý trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân có nhiều chuyển biến rõ nét. 
 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả góp phần quan trọng tăng cường sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 
 
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phát huy vai trò quan trọng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng, phong cách dân vận của Người, tạo sức hấp dẫn, lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân cả nước tham gia; đã khơi dậy được tình cảm, trách nhiệm cùng các nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của mọi tầng lớp Nhân dân; động viên, cổ vũ toàn thể Nhân dân kiên định, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái phấn đấu thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra. 
 
Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trình độ dân trí ngày càng cao, vai trò làm chủ của Nhân dân ngày càng được mở rộng, các phương tiện thông tin trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt... Đồng thời, đây là giai đoạn chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu năm 2026, là cột mốc cho 40 năm đổi mới với những kết quả là tiền đề quan trọng để đất nước bước sang giai đoạn mới, đã được Đảng xác định là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng, trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
 
Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; đổi mới cách thức tuyên truyền về công tác dân vận, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn.
 
Chủ động rà soát, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra liên quan đến công tác dân vận. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, sơ kết, tổng kết và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp mới ban hành về công tác dân vận. Tiếp tục đúc rút các bài học kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác dân vận để bổ sung, hoàn thiện văn kiện đại hội đảng các cấp và văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
 
Hai là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp, gắn với triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về "Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới" và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;  tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát huy dân chủ, vai trò trung tâm, chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng đất nước. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
 
Nâng cao hiệu quả vận động Nhân dân thông qua thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng bằng chính sách, pháp luật; đáp ứng nguyện vọng, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp Nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật. Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lấy sự hài lòng của Nhân dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
 
Ba là, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện tốt việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, trên cơ sở đó tập hợp, thu hút, phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. 
 
Nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách mới được ban hành, chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh, bão lũ, thiên tai; phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng đất nước. Phối hợp tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, nhất là trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Bốn là, sâu sát cơ sở, nâng cao hiệu quả nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình của các tầng lớp Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, các địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy về chủ trương, giải pháp trong công tác dân vận đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chính sách an sinh, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đời sống của nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người, đồng bào các dân tộc thiểu số có tỉ lệ hộ nghèo cao. Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo.

Năm là, Ban Dân vận các cấp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên và cấp ủy cùng cấp về công tác dân vận, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các ban chỉ đạo các cấp về công tác dân vận. Nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chủ động phối hợp nắm chắc tình hình Nhân dân, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân trước, trong, sau đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng để tham mưu cho cấp ủy.
 
Sáu là, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với phát động đợt thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trọng tâm là cùng với các phong trào thi đua, cuộc vận động khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công việc được phân công trong xã hội; tiêu biểu là phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… 
 
Phát huy truyền thống vẻ vang trong công tác vân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cần thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới công tác dân vận theo hướng bám sát cơ sở, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của Nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao cho.
 
Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm và nỗ lực chung, công tác dân vận sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của Nhân dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.                 
 
Xuân Lộc

Ban Dân vận, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục