Tiếp tục cảnh báo về việc dùng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

(Banker.vn) Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Văn nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật bị xử lý thế nào? Cảnh báo hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm

Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Tiếp tục cảnh báo về việc dùng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Cảnh báo về việc dùng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Đơn cử như một sản phẩm chữa bệnh gắn với trang website của Bệnh viện Bạch Mai, lấy hình ảnh của GS. BS Nguyễn Lân Việt hay mạo danh Bộ trưởng Bộ Y tế để quảng cáo và bán tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều người lầm tưởng. Bên cạnh đó còn có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo quá mức, thổi phồng như thần dược, thậm chí phản khoa học. Nhưng hình thức quảng cáo lại ngày càng phổ biến, nhất là trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo khiến cho nhiều người vẫn bị lừa, dẫn đến tiền mất tật mang.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ có uy tín đã nghỉ hưu tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục cảnh báo về việc dùng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo: Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm: Trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

Khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương