Tiên Sơn Thanh Hóa báo lãi năm 2022 tăng gấp 3 lần, bất chấp ngành dệt may 'kém sắc'

(Banker.vn) Nhìn chung trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, ảnh hưởng đến giá bán, công việc của người lao động... Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp vượt qua bối cảnh khó khăn, lượm hái "quả ngọt”.

Tiên Sơn Thanh Hóa (AAT) báo lãi tăng “ngất ngưởng” 256% trong 6 tháng đầu năm

Chủ tịch Tiên Sơn Thanh Hóa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu AAT

Tiên Sơn Thanh Hóa bất ngờ thoái toàn bộ vốn khỏi P.A.S

Sức cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, EU suy giảm trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Nhất là bước vào quý IV của năm 2022, ngành dệt may phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đơn hàng, ở những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải giảm giờ làm, hoặc chấp nhận đơn giá thấp để duy trì sản xuất.

Tiên Sơn Thanh Hóa báo lãi năm 2022 tăng gấp 3 lần, bất chấp ngành dệt may 'kém sắc'
Trụ sở chính của Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa

Theo khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2022 ở quý I các doanh nghiệp trong ngành nhận được nhiều đơn hàng nhưng đến quý II, quý III lại rơi vào tình trạng thiếu lao động, hoặc lao động nhảy việc, nghỉ việc. Đến quý IV, khi các doanh nghiệp đã tuyển đủ lao động cho sản xuất thì lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đơn hàng, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Mặc dù cũng nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng ngành dệt may nhưng kết thúc quý IV, song báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (HoSE: AAT) vừa công bố cho thấy kết quả kinh doanh với lợi nhuận có nhiều điểm đáng chú ý, doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ đạt gấp đôi (961,6 tỷ đồng), và lãi ròng gấp 3 lần (90,3 tỷ đồng) so với năm 2021.

Cụ thể, doanh thu thuần của Tiên Sơn Thanh Hóa tính riêng quý IV/2022 đã đạt 269,07 tỷ đồng, gấp 4 lần với cùng kỳ năm ngoái (quý IV/2021 chỉ đạt 67,8 tỷ đồng). Trừ đi giá vốn và chi phí công ty này báo lãi 1,3 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Tiên Sơn Thanh Hóa đạt 961,6 tỷ đồng (năm 2021 đạt 473,1 tỷ đồng), đồng thời báo lãi hơn 90,3 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 120% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản Tiên Sơn Thanh Hóa ở mức 1.056,9 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (414,1 tỷ đồng) và tài sản cố định (180,1 tỷ đồng) và bất động sản đầu tư (272,5 tỷ đồng)…

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Tiên Sơn Thanh Hóa hơn 317 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu ở mức 739,8 tỷ đồng (vốn góp của chủ sở hữu 638 tỷ đồng, lợi nhuận sau thế chưa phân phối hơn hơn 101,6 tỷ đồng).

Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa tiền thân là Công ty TNHH Tiên Sơn được thành lập vào năm 1995. Ban đầu chỉ kinh doanh thương mại tổng hợp, mua bán vật liệu xây dựng, vận tải. Sau 10 năm phát triển, dựa trên những nghiên cứu thị trường, Tiên Sơn Thanh Hóa đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất hàng may mặc để xuất khẩu, và sau 15 năm đến nay, ngành hàng này đã trở thành lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Công ty.

Tiên Sơn Thanh Hóa chính thức niêm yết 34,3 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE (mã AAT) vào ngày 24/3/2021, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.600 đồng/cp.

Sơ lược đôi nét về kết quả sản xuất kinh doanh cuat AAT những năm gần đây cụ thể như sau: Giai đoạn 2019 – 2022, doanh thu thuần của Tiên Sơn Thanh Hóa tăng trưởng mạnh, khi năm 2019 đạt doanh thu hơn 296,3 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 287 tỷ đồng vào năm 2020 và tăng lên 473,1 tỷ đồng vào năm 2021 trước đạt đỉnh vào năm 2022 ở mức 961,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Tiên Sơn Thanh Hóa cũng tỷ lệ thuận với doanh thu, khi năm 2019 nằm ở mức 21,1 tỷ đồng, giảm xuống 14 tỷ đồng năm 2020, tăng lên 28,8 tỷ đồng năm 2021 và đạt đỉnh 90,3 tỷ đồng năm 2022.

Kiều Vượng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán