Tóm tắt: Tiền kỹ thuật số do NHTW (NHTW) phát hành (CBDC) ra đời nhằm mục tiêu số hóa tiền mặt; cung cấp một phương thức khả thi để kiểm soát nền kinh tế số; nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh, nhiều quốc gia đã và đang tiến hành nghiên cứu và phát triển CBDC, Việt Nam cũng nên có những nghiên cứu chuẩn bị nhằm đưa ra các kịch bản, giải pháp phù hợp, thận trọng để nắm bắt xu thế của thế giới. Trước mắt, có thể xây dựng khuôn khổ pháp luật để đưa vào quản lý cũng như chủ động tham gia các hoạt động của các NHTW trong việc thiết lập các tiêu chuẩn của CBDC. Việc xem xét sử dụng CBDC đòi hỏi phải phân tích cẩn thận các lợi ích và rủi ro có thể phát sinh và phải phù hợp với thực tiễn đặt ra.
LEGAL DIGITAL CURRENCY AND ISSUES RAISED FOR VIETNAM
Abstract: The emergence of Central Bank Digital Currency (CBDC) aims at digitalizing cash, providing viable way to control digital economy, improving efficiency of monetary policy to economic growth. In the context that many countries have been conducting research and development of CBDCs, Vietnam should also have preparatory studies to come up with appropriate and prudent scenarios and solutions to grasp the trend of the world. In the short term, it is possible to develop a legal framework as well as actively participating in activities of central banks in setting standards of CBDCs. Considerations for the usage of a CBDC requires careful analysis of the benefits and risks that may arise and must be consistent with the actual practices.
Mở đầu
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements - BIS) công bố một báo cáo cho thấy, 86% trong số 65 NHTW được khảo sát đang có một số hoạt động về tiền tệ kỹ thuật số do NHTW phát hành (central bank digital currency - CBDC), có thể trong giai đoạn nghiên cứu, chứng minh tính khả thi hoặc phát triển thí điểm. Trong đó, gần 15% còn lại đang chuyển sang nghiên cứu thực tế thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số này.
CBDC đang được nhìn nhận sẽ có những đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng thời định hình lại cấu trúc thanh toán và tài chính toàn cầu. Những đồng tiền kỹ thuật số này sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp và định chế tài chính, trong quá trình tích hợp những đồng tiền kỹ thuật số đó vào hạ tầng thanh toán và tài chính. Mặc dù những lo ngại về mức độ bảo mật an toàn thông tin khách hàng, khả năng bị tấn công mạng, hay cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi… nhưng giới chuyên gia nhận định, NHTW các nước sẽ sớm nghiên cứu, xem xét phát hành các đồng tiền kỹ thuật số của mình. Tại Việt Nam, theo nhận định và phân tích của các chuyên gia, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp với thực tiễn nhưng cũng cần có sự chuẩn bị và đưa ra những kịch bản, giải pháp phù hợp, thận trọng để nắm bắt xu thế của thế giới. Chính vì vậy, rất cần có những nghiên cứu nhằm tổng hợp, phân tích một cách hệ thống và đầy đủ những vấn đề liên quan đến đồng tiền này, qua đó, cung cấp thêm các bằng chứng thực tiễn cho công tác quản lý, điều hành.
1. Tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành
Tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành (Central Bank Digital Currency - CBDC) là tiền pháp định (fiat money) dưới dạng kỹ thuật số, được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi NHTW của một quốc gia hay vùng lãnh thổ có chủ quyền. CBDC ra đời nhằm mục tiêu số hóa tiền mặt; cung cấp một phương thức khả thi để kiểm soát nền kinh tế số; nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với đầy đủ các chức năng của tiền pháp định, CBDC được dự định là có thể trao đổi 1:1 với các hình thức tiền khác (tiền giấy, tiền kim loại và tiền gửi ngân hàng). Có 2 mô hình CBDC tùy theo mục đích và phạm vi sử dụng: mô hình CBDC bán buôn giới hạn việc sử dụng cho thị trường và tổ chức tài chính, phục vụ thanh toán liên ngân hàng của các tổ chức tín dụng và mô hình CBDC bán lẻ - phát hành rộng rãi cho công chúng để sử dụng thanh toán bán lẻ dưới hình thức giá trị tiền pháp định của tiền gửi hoặc ví điện tử cá nhân mở tại NHTW hoặc dưới dạng mã token (1).
Khác với Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác, vốn được thiết kế để không phụ thuộc vào sự kiểm soát của bất kỳ công ty hay chính phủ nào, CBDC giúp các chính phủ có thể dễ dàng kiểm soát về tài chính. Ngoài việc CBDC chỉ đơn giản là một phiên bản kỹ thuật số của tiền mặt do các NHTW phát hành, CBDC có thể thay thế tiền mặt, qua đó các chính phủ có thể dễ dàng theo dõi các giao dịch tài chính để ngăn chặn hành vi trốn thuế, rửa tiền hoặc tham nhũng. CBDC sẽ tận dụng phần lớn công nghệ tương tự của tiền điện tử khác, cho phép thanh toán ngay lập tức, giải quyết nhanh hơn và chi phí giao dịch thấp hơn. CBDC có thể là phương tiện đảm bảo như một công cụ tài chính để tiếp cận các bộ phận dân cư không có tài khoản ngân hàng. Theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng tập trung vào CBDC bắt nguồn từ việc người tiêu dùng đang ngày càng xa rời tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, ngoài ra, sự ra đời của CBDC còn hướng đến tính tiện lợi và nhanh chóng, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả.
Như vậy, so với tiền mặt, CBDC được đánh giá là có tính minh bạch, độ tin cậy và bảo mật cao, ít rủi ro, có thể truy xuất lịch sử giao dịch…; Chính vì vậy, CBDC sẽ góp phần tạo ra cuộc cách mạng toàn cầu về thanh toán, với chi phí thấp, đơn giản và nhanh chóng, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giúp tiết giảm chi phí liên quan đến phát hành và lưu thông tiền mặt... Đồng thời, với CBDC, NHTW có thêm công cụ giúp kiểm soát chính xác lượng cung tiền, từ đó, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh những ưu việt đó, việc sử dụng đồng tiền này cũng đối diện với các rủi ro, bao gồm: mức độ chấp nhận so với đồng tiền truyền thống; khả năng xoá bỏ một số hoạt động dịch vụ liên quan đến đồng tiền truyền thống, làm thay đổi cấu trúc cơ cấu ngành nghề và việc làm; những nguy cơ mất an toàn do tội phạm mạng… Cuối cùng, đó là thách thức với các NHTW và cơ quan quản lý trong kiểm soát lượng cung tiền cũng như trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý sự cố, rủi ro.
2. Tiền kỹ thuật số của một số NHTW trên thế giới
BIS mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy, 86% trong số 65 NHTW được khảo sát đang có một số hoạt động về tiền tệ kỹ thuật số của CBDC, có thể đang nghiên cứu, chứng minh tính khả thi hoặc phát triển thí điểm. Trong khi đó, gần 15% còn lại đang chuyển sang nghiên cứu thực tế cho các đồng tiền thử nghiệm. Động lực chính của các NHTW khi phát hành CBDC nhằm hạn chế rủi ro vốn có trong quá trình chuyển đổi mang tính toàn cầu sang thanh toán không dùng tiền mặt. Các NHTW chịu trách nhiệm về sự an toàn của hệ thống tiền tệ, nhưng trong một nền kinh tế mà các giao dịch đang bị chi phối bởi các công ty tư nhân với các nền tảng thanh toán trực tuyến như Apple Pay hoặc Alipay, rõ ràng, sẽ có những ảnh hưởng. Cùng với đó, các loại tiền điện tử như Bitcoin hay đồng Diem do Facebook hậu thuẫn (trước đây là Libra) cũng là một mối đe dọa, có khả năng làm giảm đi vai trò quản lý của NHTW. Với CBDC, các NHTW sẽ hiện diện mạnh mẽ hơn trong đối với các nền tảng thanh toán trực tuyến này. Các NHTW cũng nhìn thấy cơ hội đối với đồng tiền này trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tin cậy hơn và ít bị làm giả hơn, cũng như việc giảm chi phí phát hành so với tiền truyền thống. Tại các quốc gia nghèo hơn, các NHTW hy vọng rằng CBDC sẽ đưa những công dân đang không dùng dịch vụ của hệ thống ngân hàng vào hệ thống tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại Trung Quốc, tháng 8/2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s Bank of China - PBOC) công bố tại Diễn đàn Tài chính 40 (China Finance 40 Forum) là chuẩn bị phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng, tiến tới việc trở thành quốc gia phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng đầu tiên trên thế giới. Bằng việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, PBOC có thể sử dụng đồng tiền để toàn cầu hóa đồng Nhân dân tệ, ngoài ra, việc phát hành CBDC còn hướng đến mục tiêu tăng cường hiệu quả cho chính sách tiền tệ trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế số trên lãnh thổ Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ điện tử eCNY đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa vào thử nghiệm tại 4 thành phố. Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục mở rộng thử nghiệm tiền kỹ thuật số này tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán tháng 2/2021, NHTW nước này đã tặng 6,2 triệu đôla (40 triệu Nhân dân tệ) bao lì xì tiền kỹ thuật số. Được đánh giá là đồng tiền có nhiều tiêu chuẩn khác biệt so với tiền mặt hay các loại tiền điện tử khác đang được lưu hành tại Trung Quốc, việc phát hành eCNY nằm trong nỗ lực đưa các hình thức tiền CBDC mới vào lưu thông với mục tiêu tạo điều kiện cho người dùng dễ tiếp cận các công cụ tài chính trực tuyến. Điều này cho thấy tham vọng của Trung Quốc đối với dự án tiền CBDC và mong muốn trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Theo góc nhìn của PBOC, đồng tiền kỹ thuật số này sẽ đem lại các lợi ích như: (1) Khả năng tính toán chính xác hơn các chỉ tiêu như tỷ lệ lạm phát và các tiêu chí kinh tế vĩ mô khác; (2) Tăng khả năng thu thập dữ liệu thời gian thực như việc phát hành, ghi sổ và lưu hành của tiền, góp phần làm tăng sức mạnh cho các công cụ chính sách tiền tệ và hỗ trợ nhà hoạch định chính sách; (3) Nâng cao khả năng phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế thông qua hoạt động của trung tâm dữ liệu lớn; (4) Giảm bớt việc cung cấp thông tin, báo cáo giữa các tổ chức tín dụng và nhà quản lý.
Tại Nhật Bản, NHTW Nhật Bản (Bank of Japan - BOJ) cho biết đang lên kế hoạch thử nghiệm CBDC của mình vào đầu tài khóa 2021. BOJ dự định thiết lập một hệ thống trên internet để thử nghiệm các chức năng cơ bản của CBDC, trong đó có việc phát hành và lưu hành đồng tiền này. Cuộc thử nghiệm sẽ tiến hành theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng có sự tham gia của các cơ sở kinh doanh tư nhân và người tiêu dùng, nhằm kiểm tra tính khả thi và độ an toàn của đồng tiền kỹ thuật số với tư cách là phương tiện thanh toán song song với tiền mặt. Tương tự, tại châu Âu, NHTW châu Âu (European Central Bank - ECB) cũng đã khởi động cuộc tham vấn cộng đồng và bắt đầu các thử nghiệm để giúp ECB này đưa ra quyết định có hay không nên tạo ra đồng EUR kỹ thuật số. Theo đó, đồng EUR này sẽ là phiên bản kỹ thuật số của đồng EUR hay tiền xu, sẽ được đấu thầu hợp pháp cũng như được ECB đảm bảo. Việc triển khai đồng tiền này cho phép các cá nhân lần đầu tiên được gửi tiền trực tiếp vào ECB. Điều này có thể an toàn hơn so với việc gửi tiền ở các ngân hàng thương mại có thể bị phá sản hay giữ tiền mặt.
Đầu tháng 10/2020, một nhóm gồm 7 NHTW (gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ và ECB) cùng BIS đã công bố một báo cáo đưa ra các tiêu chuẩn cho một đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành. Tại Mỹ, Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, đã nói rằng Mỹ muốn “làm đúng hơn là đi đầu” trên lĩnh vực tiền kỹ thuật số.
Điều này cho thấy việc xuất hiện các đồng tiền này chỉ là vấn đề thời gian, mặc dù, trong thời gian gần, khả năng những đồng tiền này áp dụng rộng rãi có thể chưa cao. Về mặt kỹ thuật, các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý cho phép ứng dụng các đồng CBDC trong giao dịch cũng như phạm vi thử nghiệm và áp dụng vẫn còn rất nhiều câu hỏi và sẽ cần thêm thời gian để trả lời.
3. Những vấn đề đặt ra với Việt Nam
Tại Việt Nam, theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam, nhưng cũng cần có sự chuẩn bị và đưa ra những kịch bản, giải pháp phù hợp, thận trọng để nắm bắt xu thế của thế giới. Trong bối cảnh, nhiều quốc gia đã tiến hành nghiên cứu và đang ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển CBDC của mình. Mặc dù các lợi ích cũng như rủi ro của CBDC bán lẻ (sử dụng rộng rãi) vẫn chưa được chứng minh, nhưng với việc phát hành đồng eCNY của ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ có tác động đến Việt Nam trong trường hợp đối tác thương mại phía Trung Quốc muốn thanh toán bằng đồng tiền này.
Trong tương lai gần, nếu CBDC trong thanh toán doanh nghiệp được sử dụng phổ biến, Việt Nam cũng sẽ phải cân nhắc đối với CBDC, bởi đây là yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, các quyết định liên quan đến CBDC cần trả lời cho câu hỏi liệu việc phát hành đồng tiền này có hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước đạt được các mục tiêu: ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, vấn đề đặt ra là Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, đánh giá cũng như xây dựng khuôn khổ pháp luật để đưa vào quản lý, trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, công nghệ tài chính, thanh toán di động…. Ngay cả trong trường hợp chưa phát hành CBDC trong tương lai gần, Việt Nam vẫn nên chủ động tham gia các hoạt động của các NHTW, đặc biệt là việc thiết lập các tiêu chuẩn của CBDC liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, bảo vệ chống lại việc lạm dụng dữ liệu người dùng, song song với các tiêu chuẩn toàn cầu về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố.
Kết luận
Dù việc triển khai sử dụng CBDC đặt ra những thách thức rất phức tạp, nhưng nhiều NHTW trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu hay thử nghiệm loại hình tiền tệ này. Chính vì vậy, việc xem xét sử dụng CBDC đòi hỏi phải phân tích cẩn thận các lợi ích và rủi ro có thể phát sinh từ CBDC. Nếu một số nền kinh tế quyết định sử dụng CBDC - nhất là các nền kinh tế có mức độ ảnh hưởng cao - thì quyết định đó sẽ tác động đến các đồng tiền chủ chốt trên thế giới và điều này cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các NHTW khác. Do vậy, theo dõi liên tục sự phát triển trong lĩnh vực này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những phản ứng phù hợp và cần thiết đối với những thay đổi diễn ra ở các quốc gia khác. Mặc dù có thể trong nhiều năm tới, các NHTW sẽ tiếp tục sử dụng đồng tiền pháp định truyền thống cùng với ví điện tử, nhưng đồng tiền kỹ thuật số đầy tham vọng này rất có thể sẽ được sử dụng phổ biến trong tương lai.
CHÚ THÍCH:
(1)Token là chữ ký số hay chữ ký điện tử được mã hóa thành những con số trên thiết bị chuyên biệt. Mã Token tạo ra là dạng mã OTP nghĩa là mã sử dụng được một lần và tạo ngẫu nhiên cho mỗi giao dịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cấn Văn Lực (2020), Quản lý tiền kỹ thuật số, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam; https://tinnhanhchungkhoan.vn/quan-ly-tien-ky-thuat-so-kinh-nghiem-quoc-te-va-ham-y-chinh-sach-voi-viet-nam-post240707.html
- Trần Hùng Sơn – Hoàng Trung Nghĩa (2019), NHTW và tương lai của tiền kỹ thuật số, Báo cáo nghiên cứu;
- Trần Hùng Sơn (2021), Đồng NDT số và chính sách cho Việt Nam; https://vietstock.vn/2021/03/dong-ndt-so-va-chinh-sach-cho-viet-nam-757-837007.htm;
- Hồ Quốc Tuấn (2020), Trào lưu tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương, Tạp chí tài chính online, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/trao-luu-tien-ky-thuat-so-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-329086.html
- Anh Thư (2021), Xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia, Tạp chí tài chính Online; https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/xu-huong-phat-trien-tien-ky-thuat-so-quoc-gia-332099.html
- Đức Thịnh (2021), Kinh nghiệm phát hành tiền kỹ thuật số của NHTW Trung Quốc, https://bnews.vn/cac-ngan-hang-trung-uong-nghien-cuu-phat-hanh-tien-ky-thuat-so/185299.html
- Đinh Trọng Thịnh (2021), Toan tính của các NHTW khi phát hành tiền kỹ thuật số, https://cafef.vn/dau-la-nhung-om-xom-quanh-van-de-tien-te-ky-thuat-so-tai-cac-ngan-hang-trung-uong-20210303093137223.chn
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 15 năm 2021
TS. NGUYỄN THẾ BÍNH
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|