Tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm ở hầu hết ngân hàng

(Banker.vn) Áp lực lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng cao, nhất là từ quý IV/2022 đến nay, trong khi các kênh đầu tư khác trong xu hướng giảm là nguyên nhân khiến tiền gửi không kỳ hạn giảm.

Vì sao nhiều ngân hàng muốn sở hữu công ty chứng khoán?

SHB báo lãi hơn 3.600 tỷ đồng, số dư tiền gửi khách hàng tăng 9,2% trong quý I

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, trong quý I/2023, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đồng loạt giảm mạnh. Khách hàng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi cao thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán phục vụ cho nhu cầu đầu tư, tiêu dùng.

CASA quý 1/2023 ngân hàng đồng loạt giảm do tác động từ lãi suất cao
CASA quý 1/2023 ngân hàng đồng loạt giảm do tác động từ lãi suất cao

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tổng tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm cả tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ) vào cuối tháng 3/2023 ở mức 160.817 tỷ đồng, giảm 10,7% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) giảm từ 40,6% xuống 35,5%.

Xu hướng này cũng không là ngoại lệ với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong quý I/2023; dù năm ngoái CASA của ngân hàng này vẫn diễn biến khá tích cực, ngược chiều với thị trường.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank giảm 7,6% xuống 387.703 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA điều chỉnh từ 33,9% xuống 30,4%. Xét về số dư, Vietcombank vẫn là nhà băng có thị phần tiền gửi không kỳ hạn cao nhất. Tuy nhiên xét về tỷ trọng CASA, Vietcombank chỉ đứng thứ 3 thị trường, sau MB và Techcombank.

Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cuối tháng 3 là 124 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%. So với kỷ lục từng đạt được hơn 50% đầu năm 2022, tỷ lệ CASA của Techcombank đã giảm tới 18 điểm %.

Tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), tổng tiền gửi không kỳ hạn giảm tới 8.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương đương giảm 22% xuống còn gần 28.500 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA giảm từ 31,1% hồi đầu năm xuống còn 22,6%.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có tỷ lệ CASA cao thứ 5 hệ thống cũng ghi nhận tỷ lệ này giảm từ 22,3% hồi đầu năm xuống còn 20,16% vào cuối tháng 3.

Cơ cấu tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn. Tỷ lệ CASA của VietinBank điều chỉnh từ 20% xuống 18%.

Theo nhận định của các chuyên gia, CASA sẽ là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng năm 2023. Giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động như vừa qua, nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường.

Trước đó, Chứng khoán Yuanta dự báo, tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhận định của Yuanta, tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt.

Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra đánh giá rằng, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục