Tiền đổ vào chứng khoán ngày càng nhiều

(Banker.vn) Chứng khoán đang thu hút dòng tiền lớn trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm ngày càng giảm và các kênh đầu tư khác bất động.
Cổ phiếu nhóm Công Thương có tỷ suất sinh lời cao Chứng khoán tăng tốc

Từ ngày 7 đến 11-8-2023, thị trường chứng khoán trong nước dù xuất hiện một số phiên điều chỉnh mạnh nhưng đến cuối tuần, các cổ phiếu và chỉ số đã "rút chân" mạnh mẽ, chốt tuần ở mốc cao nhất từ tháng 9-2022. Dòng tiền tiếp tục duy trì ở mức cao khi giao dịch trung bình mỗi phiên đều đạt trên 22.500 tỉ đồng. Trong đó, phiên ngày 7-8 lập kỷ lục từ đầu năm 2023, với gần 30.000 tỉ đồng ở cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM.

Kỷ lục từ đầu năm

Chị Lê Thảo Minh (ngụ quận 5, TP HCM), một nhà đầu tư đã trải qua đợt "sóng gió" của thị trường chứng khoán năm 2022 khi VN-Index từ 1.500 điểm xuống còn 800 điểm, cho hay đợt này, chị khá tự tin vào triển vọng của thị trường nên quyết định nạp thêm tiền vào tài khoản, chờ những phiên "rung lắc" để mua thêm cổ phiếu. "Tôi vẫn để một khoản tiền nhàn rỗi ở ngân hàng nhưng tài sản đầu tư cho chứng khoán nhiều hơn vì những kênh đầu tư khác không hấp dẫn" - chị giải thích.

Đổ thêm tiền vào chứng khoán cũng là xu hướng được các chuyên gia nhìn nhận tại Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 vừa diễn ra. TS Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán VPS, nhận định nếu nhìn vào khối lượng và giá trị giao dịch từ tháng 5 đến nay, có thể nói chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn.

Theo ông Khánh, cơ sở cho nhận định này là lãi suất tiền gửi đang duy trì ở mức thấp, kênh bất động sản vẫn kém hấp dẫn, ngoại tệ và vàng gần như không có "sóng", trái phiếu doanh nghiệp (DN) chỉ chớm hồi phục... "Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã phục hồi rất mạnh sau khi chạm đáy vào cuối năm 2022. Niềm tin nhà đầu tư đã tăng và tôi cũng cảm thấy bất ngờ khi thanh khoản mỗi phiên đã trở lại mức 20.000 - 22.000 tỉ đồng" - TS Lê Đức Khánh cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thời điểm này, đầu tư vào vàng về cơ bản không mang lại lợi nhuận. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao trong suốt năm khiến giá vàng khó có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.

Lãi suất tiền gửi hiện giảm khoảng 1,5-2 điểm % so với mức đỉnh và sẽ duy trì ở mức thấp từ nay tới cuối năm. Trong khi đó, suất sinh lời của chứng khoán đang nhỉnh hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm và vàng.

Tiền đổ vào chứng khoán ngày càng nhiều - Ảnh 1.
Các nhà đầu tư đang chủ động đổ thêm tiền vào chứng khoán với kỳ vọng sinh lời vào cuối năm Ảnh: Tấn Thạnh

"Chừng nào lãi suất còn duy trì ở mặt bằng thấp như hiện nay, nhà đầu tư sẽ tiếp tục chọn chứng khoán, kéo theo xu hướng thị trường giá lên trong nửa cuối năm. Trong quá khứ, môi trường lãi suất thấp cùng với việc các kênh đầu tư khác kém khả quan đã hỗ trợ mạnh thị trường giá lên. Thực tế, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán đã bắt đầu tăng trở lại" - bà Lam dẫn chứng.

Lãi suất gửi ngân hàng (NH) thấp được xem là một trong những yếu tố chính góp phần thúc đẩy dòng tiền đầu tư chảy mạnh hơn vào chứng khoán. Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - Quỹ Đầu tư Vinacapital, kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của DN vào năm sau sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn. Kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 tiếp tục cải thiện nhờ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng từ Chính phủ, bao gồm việc cắt giảm lãi suất; giai đoạn khó khăn nhất của hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã qua.

"Lợi nhuận của các DN niêm yết tại Việt Nam có thể tăng vọt, từ mức tăng 6% trong năm nay, lên hơn 20% vào năm 2024. Sự phục hồi hiện tại của VN-Index - ban đầu được thúc đẩy bởi lãi suất thấp - sẽ được duy trì nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận DN cao hơn trong năm sau" - ông Michael Kokalari nhìn nhận.

Tiền đổ vào chứng khoán ngày càng nhiều - Ảnh 2.

Ngành nào sẽ dẫn "sóng"?

Tiền đổ vào chứng khoán ngày càng nhiều

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục chinh phục những mốc cao mới, câu chuyện của hầu hết nhà đầu tư lúc này là mua bán gì trong ngắn hạn, ngành nào hấp dẫn, DN nào có triển vọng để đầu tư từ nay tới cuối năm? Trước đó, mối bận tâm của họ là có nên bán cổ phiếu hay chốt lời để cầm tiền khi thị trường vẫn còn "ngập ngừng", chưa rõ xu hướng.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam cho rằng NH được kỳ vọng sẽ tiếp tục là ngành có đóng góp lớn nhất, không chỉ do vai trò quan trọng về vốn hóa mà còn vì các yếu tố như: vốn tín dụng sẽ bắt đầu được giải ngân nhanh hơn sau khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt đáng kể; định giá của ngành vẫn thấp hơn mức trung bình 3 năm.

Ngành dịch vụ công nghiệp và công nghệ thông tin cũng có thể đóng góp nhiều hơn vào chỉ số nhờ cải thiện được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm. Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn sẽ là một động lực tăng của thị trường nhờ hưởng lợi trực tiếp từ quy mô giao dịch và dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cao hơn nửa đầu năm nay.

Chuyên gia của Vina Capital cũng đánh giá sự cải thiện tâm lý thị trường đối với giá cổ phiếu NH đến từ việc nhà đầu tư bớt lo ngại về chất lượng tài sản và kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm nay do lãi suất thấp hơn. Lãi suất NH thấp đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản khi giao dịch đang có dấu hiệu phục hồi.

Thực tế, lãi suất vay mua nhà đã giảm hơn 0,5 điểm % trong tháng qua và được kỳ vọng giảm thêm trong 6-12 tháng tới. Điều này đã tác động tích cực đến tâm lý đối với cổ phiếu ngành bất động sản và những ngành liên quan như xây dựng, sắt thép...

"Những nhóm ngành xây dựng - xây lắp, bất động sản, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí... có khối lượng và giá trị giao dịch bằng cả giai đoạn dịch COVID-19. Nhóm công nghệ viễn thông, dầu khí, bán lẻ, số hóa và nhóm hưởng lợi từ đầu tư công sẽ có triển vọng" - TS Lê Đức Khánh nhận định.

Các nhịp "rung lắc" mạnh vẫn còn

Về xu hướng tuần này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng thị trường sẽ tiếp tục gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240 - 1.250 điểm. Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 đã qua, thị trường đang tiến vào vùng trống thông tin. Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới.

"Thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong ngắn hạn; dòng tiền đầu tư có thể liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng, điều chỉnh ngắn. Nhà đầu tư nên hạn chế bị cuốn theo những biến động ngắn hạn vì rủi ro đưa ra quyết định sai sẽ tăng khi liên tục đưa ra các quyết định trong khoảng thời gian ngắn" - ông Đinh Quang Hinh nhận xét.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group, lưu ý một trong những điều mà nhà đầu tư chứng khoán cần quan tâm là quản trị rủi ro, đa dạng hóa danh mục và đánh giá đúng mức độ rủi ro của mình.

nld.com.vn

Theo: Báo Công Thương