Sử dụng bao bì “xanh”: “Đường dẫn tốt” cho hàng Việt xuất khẩu sang Nhật Bản Điểm tên những thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam |
Dệt may, da giày, sắt thép chiếm ưu thế
Ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, Algeria là đất nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xuất khẩu dầu khí (chiếm đến 90% tổng kim ngạch), các lĩnh vực khác chưa phát triển. Mặc dù Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế song nước này phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong đó có 50% lương thực, thực phẩm.
Bên cạnh những mặt hàng nông lâm sản như cà phê, chè xanh, gạo, gia vị, đồ gỗ, thủy sản… có nhu cầu lớn, thị trường Algeria cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp.
Cụ thể, mặt hàng giày dép, Algeria tiêu thụ khoảng 90 triệu đôi giày mỗi năm, trong khi chỉ sản xuất được 1 triệu đôi. Nhập khẩu giày dép chiếm tới 95% thị trường với tổng giá trị 1,13 tỷ USD/năm. Các thương hiệu giày châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường này. Các doanh nghiệp Algeria quan tâm nhập khẩu đế giày, phụ kiện giày.
Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sắt thép với số lượng lớn sang Algeria |
Hàng dệt may, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Algeria đạt 2,2 triệu USD. Các thương hiệu chủ yếu xuất khẩu từ Việt Nam là Adidas, Nike, Pouma, Lacoste… Ngoài ra, hàng dệt may Trung Quốc lấn át hàng hóa các nước trên thị trường Algeria do đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng bản địa về sản phẩm giá rẻ và đa dạng về mẫu mã.
Tương tự như da giày, thuế nhập khẩu các mặt hàng may mặc vào Algeria vẫn ở mức cao, tuy nhiên hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu khi quần áo có xuất xứ từ EU và Ả rập nhờ hiệp định thương mại tự do. Doanh nghiệp, Algeria có nhu cầu cao về vải, sợi để phục vụ ngành sản xuất dệt may trong nước. Bên cạnh đó, phía Algeria cũng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư liên doanh, liên kết sản xuất các nhóm hàng này.
Sản phẩm sắt thép, mỗi năm, Algeria nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD các mặt hàng nhôm và sản phẩm sắt thép. Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn duy trì kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ở mức cao. Trong năm 2020, giá trị xuất khẩu sắt thép và nhôm sang Algeria đạt 12,37 triệu USD và năm 2021 là 8,6 triệu USD.
Ngoài những mặt hàng trên, thị trường Algeria còn có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp khác, như: Sản phẩm hóa chất; nguyên liệu ngành bao bì; linh kiện, phụ tùng ô tô.
Nhiều lưu ý
Mặc dù có nhiều tiềm năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhưng ông Hoàng Đức Nhuận cũng nhấn mạnh, có nhiều trở ngại cho doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa sang thị trường này.
Algeria chưa phải là thành viên của WTO, hàng rào thuế quan vẫn rất cao, mang tính bảo hộ rõ rệt. Thuế nhập khẩu trung bình 53%, chưa kể nhiều mặt hàng chịu thuế tiêu thụ nội địa 10-30% và thuế phòng vệ bổ sung với tỷ suất từ 30% đến 200%.
Nhằm giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, chủ trương của chính phủ Algeria trong mấy năm gần đây là hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu những mặt hàng đã sản xuất được, tăng cường thu hút đầu tư, liên doanh liên kết để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng phi dầu lửa.
Môi trường kinh doanh tại Algeria chưa thuận lợi. Chính sách thương mại hay thay đổi, mang tính bảo hộ, thời gian thanh toán của ngân hàng chậm, Algeria không cho chuyển tiền đặt cọc đối với việc nhập khẩu.
“Hiện tại giá cước đi Algeria cao do tác động khủng hoảng tại Biển Đỏ, trung bình là 5000 USD/công 20 feet”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria thông tin.
Để doanh nghiệp thuận lợi, nhất là đảm bảo “an toàn” khi xuất khẩu sang Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận cũng lưu ý: Cần tìm hiểu, thẩm tra đối tác. Trước khi giao dịch, đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng như Thương vụ có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh.
Thông tin trên nhãn mác, bao bì đối với hàng nhập khẩu tại Algeria bắt buộc ghi bằng tiếng Ả rập và một ngoại ngữ khác (tiếng Pháp hoặc tiếng Anh). Riêng đối với việc ghi nhãn mác trên hàng thực phẩm, cần nêu rõ: Tên gọi mặt hàng; trọng lượng tịnh đối với hàng thực phẩm đã đóng gói trước; tên hoặc thương hiệu đã nộp lưu chiểu và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói hoặc nhà phân phối hay công ty nhập khẩu nếu thực phẩm được nhập khẩu; nước xuất xứ và/hoặc nước hàng hóa từ đó đến.
Về phương thức thanh toán, ông Hoàng Đức Nhuận khuyến nghị nên sử dụng L/C không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng, trong đó đề nghị khách đặt cọc ít nhất là 20% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm. Yêu cầu khách đặt cọc ngoài Algeria qua chi nhánh công ty hoặc người thân của khách hàng ví dụ ở Dubai hoặc châu Âu. Một biện pháp nữa là áp dụng giao hàng gối đầu với việc khách ứng tiền trước.
Đặc biệt, khi có phát sinh tranh chấp trong xuất nhập khẩu, trước tiên doanh nghiệp nên tự dàn xếp với khách hoặc liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại Algeria để được tư vấn, hỗ trợ, tránh để tình trạng kéo dài, nhất là khi hàng bị ách tại cảng, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho bãi tăng và hư hỏng hàng hóa.
“Nếu hàng ở cảng quá 81 ngày nếu không có thông báo của cơ quan chức năng như tòa án hoặc văn phòng luật sư thì có thể bị hải quan Algeria cho bán đấu giá. Nếu tranh chấp do lỗi của đối tác thì việc can thiệp, tác động của Thương vụ và Bộ Công Thương Việt Nam có thể đem lại kết quả tích cực trong một số trường hợp”, Tham tán Hoàng Đức Nhuận nhấn mạnh.
Hải Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|