Thương mại song phương Việt Nam-EU tăng trưởng tích cực: Vai trò tiên phong của các tham tán rất quan trọng

(Banker.vn) Thời gian qua, thương mại Việt Nam - EU đã có bước phát triển tương đối nhanh chóng và mạnh mẽ.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực: Bốn lợi ích lớn với doanh nghiệp Việt Nam Áo sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Tuy nhiên, để gia tăng hơn nữa kim ngạch thương mại 2 chiều, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, vai trò của các Tham tán thương mại trong việc mở cửa thị trường là hết sức quan trọng. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về thương mại song phương Việt Nam - EU trong thời gian qua?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 14,1%, nhập khẩu từ EU đạt 7,5 tỷ USD, tăng 5,2%.

Nhờ xuất khẩu khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái đã góp phần cải thiện cán cân thương mại với mức xuất siêu 17 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU khởi sắc là nhờ sự phục hồi đáng kể của những nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép cho tới nông, lâm, thủy sản.

Thương mại song phương Việt Nam-EU tăng trưởng tích cực: Vai trò tiên phong của các tham tán rất quan trọng
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế

Trong các nhóm hàng chủ lực, tăng mạnh nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 3,95 tỷ USD, tăng hơn 22%; giày dép gần 3 tỷ USD, tăng 11,3%... Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, trong thời gian qua, thương mại Việt Nam - EU đã có bước phát triển tương đối nhanh chóng và mạnh mẽ. Đặc biệt là sau khi Việt Nam - EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên có mức tăng tương đối cao, có thời điểm tăng trưởng 2 con số.

Trên tinh thần cả 2 bên thực hiện tương đối tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, điều này cũng phản ánh quan hệ về chính trị giữa các quốc gia trong EU với Việt Nam đang ở mức tương đối tốt. Các phái đoàn của EU cũng thường xuyên sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp Việt Nam cũng thường xuyên đến các quốc gia trong EU ký kết các thỏa thuận hợp tác về đầu tư, thương mại, khoa học kỹ thuật... Sự hợp tác ngày càng toàn diện và sâu rộng, từ đó có một nền tảng phát triển tốt hơn theo tinh thần Chính phủ Việt Nam cùng với Chính phủ các quốc gia trong EU đã có cam kết.

Về đầu tư của EU vào Việt Nam, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) đánh dấu một bước tiến lịch sử trong quan hệ thương mại Việt Nam - EU. EU là cái nôi của khoa học công nghệ cũng như chế biến chế tạo. Do đó, chúng ta mong muốn thu hút được nhiều hơn nguồn vốn từ thị trường này. Mức tăng đầu tư sau EVIPA là có, nhưng chưa như mong muốn.

Nguyên nhân có thể do Việt Nam thực hiện Hiệp định EVIPA vào thời điểm khó khăn của cả Việt Nam và EU bởi tác động của dịch Covid-19 cũng như các yếu tố địa chính trị nảy sinh. Do đó, hoạt động đầu tư vốn của nhà đầu tư EU vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng.

Các Thương vụ Việt Nam khu vực EU có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu, gia tăng sự hiện diện của hàng Việt tại thị trường này. Để nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại Việt Nam - EU, cần triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

EU là khu vực phát triển tương đối cao của thị trường thế giới. Do đó, các yêu cầu về khoa học công nghệ, xanh hóa, bảo vệ môi trường là khá khắt khe. Năm 2023, một số sản phẩm trong ngành dệt may, da giày của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu xanh hóa của thị trường EU. Do đó, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm đáng kể.

Thương mại song phương Việt Nam-EU tăng trưởng tích cực: Vai trò tiên phong của các tham tán rất quan trọng
Gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” được bán tại Pháp Ảnh: L.T

Việc nắm bắt cũng như thực thi đòi hỏi yêu cầu thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Mặc dù thời gian gần đây, chúng ta đã từng bước khắc phục nhưng việc làm này còn chậm và chưa đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi của thị trường. Do đó, về phía các Thương vụ, Đại sứ quán tại các nước trong khu vực cần phải nắm bắt các tiêu chuẩn, đòi hỏi, yêu cầu của thị trường. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị, khuyến cáo đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, từ đó=doanh nghiệp nắm bắt được thông tin.

Một vấn đề nữa đó là cấp chứng chỉ xanh. Việc cấp chứng chỉ xanh cho các doanh nghiệp, mặt hàng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có cơ hội thâm nhập, cũng như nhận được ưu đãi từ các quốc gia EU. Việc này các doanh nghiệp không tự làm được mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước sẽ là đầu tàu trong việc xây dựng định lượng, chỉ tiêu cho các sản phẩm sản xuất cụ thể, từ đó làm căn cứ để cấp chứng chỉ xanh. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ đứng ra cấp chứng chỉ xanh, cũng như kiểm tra giám sát. Doanh nghiệp từ đó sẽ có những căn cứ cụ thể để thay đổi, thích ứng và giúp khả năng thâm nhập thị trường của sản phẩm Việt tại thị trường này.

Theo ông, để nắm bắt được những cơ hội từ thị trường EU cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?

Nếu doanh nghiệp nắm bắt được các tiêu chuẩn, định mức, các yêu cầu đòi hỏi về kỹ thuật của từng mặt hàng thì mới có thể giải mã được vấn đề về tăng lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ở mặt hàng nào.

Như đối với mặt hàng dệt may, da giày, trước tiên cần chứng chỉ xanh. Hay với sản phẩm có rất nhiều ưu thế tại thị trường này đó là đồ gỗ thì cũng là sản phẩm mà thị trường này yêu cầu chứng chỉ xanh.

Một mặt hàng khác được đề cập đến đó là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, đây là thế mạnh của Việt Nam tại thị trường EU.

Bởi EU rất cần các sản phẩm nông sản khu vực nhiệt đới. Tuynhiên, vấn đề đặt ra là nông sản Việt phải đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này rất cần vai trò của các Thương vụ, Đại sứ quán trong việc nắm bắt yêu cầu, quy định mới, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cụ thể, chi tiết để doanh nghiệp có thể nắm bắt, đổi mới và thực thi được. Doanh nghiệp cần thay đổi từ những yêu cầu được đặt ra từ thị trường.

Mở khóa thị trường cùng với trao đúng, trao sớm chìa khóa cho doanh nghiệp, vai trò của các Thương vụ, Đại sứ quan, hiệp hội ngành hàng là vô cùn quan trọng. Về phía các doanh nghiệp, người dân hãy “tra chìa đúng ổ”. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tích cực cải thiện môi trường đầu tư, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư EU sẽ là những người có lượng vốn đầu tư ngày càng lớn tại thị trường Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2024 có mức tăng cao (tăng 14,1%), chỉ sau Mỹ (22,1%), cao hơn mức tăng tại ASEAN (12,3%), Hàn Quốc (10,4%), Nhật Bản (1,8%), Trung Quốc (5,3%),... Nếu tiếp tục duy trì được đà phục hồi như giai đoạn đầu năm, nửa cuối năm nay, xuất khẩu sang EU có thể đạt 50 - 52 tỷ USD.

Hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của thương mại hàng hóa là Hiệp định EVFTA đi vào thực thi (có hiệu lực ngày 1/8/2020), với cam kết ưu đãi thuế quan cho nhiều mặt hàng xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi theo mẫu EUR.1 trong năm 2023 đạt 14,3 tỷ USD, tương đương 35,17% kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục