Thương mại điện tử: Trụ cột cho chuyển đổi số ngành Công Thương

(Banker.vn) Thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ngành Công Thương, đòi hỏi nhân lực chất lượng cao và chiến lược đào tạo đồng bộ.
Vì sao AI là trợ thủ đắc lực của doanh nghiệp thương mại điện tử? AI giúp doanh nghiệp thương mại điện tử bứt phá Thêm cơ hội ‘thực chiến’ thương mại điện tử cho sinh viên

Chuyển mình giữa dòng chảy số

Thương mại điện tử không còn là câu chuyện tương lai, mà là hiện thực đang diễn ra từng ngày, từng giờ, từng giây trên hàng triệu thiết bị điện tử kết nối khắp toàn cầu. Với tốc độ phát triển vượt bậc, thương mại điện tử đã trở thành một trong những động lực then chốt định hình lại cách thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nền kinh tế hiện đại.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2024 ước đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm trên 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Hàng triệu hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp siêu nhỏ đã tiếp cận khách hàng toàn quốc, thậm chí xuất khẩu qua sàn xuyên biên giới nhờ thương mại điện tử. Không còn là cuộc chơi của “ông lớn”, thương mại điện tử đang trở thành công cụ phổ cập cơ hội và mở ra một thời kỳ phát triển bình đẳng, nơi “ai biết nắm bắt thì người đó dẫn đầu”.

Thương mại điện tử là một lĩnh vực giao thoa giữa nhiều ngành: công nghệ thông tin, logistics, quản trị kinh doanh, marketing số và cả pháp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đào tạo hiện nay vẫn còn manh mún, thiếu đồng bộ và chưa bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường.

Thương mại điện tử: Trụ cột cho chuyển đổi số ngành Công Thương
Tính đến năm 2024, mới chỉ có hơn 30 cơ sở đào tạo đại học chính quy tại Việt Nam đưa ngành thương mại điện tử vào chương trình chính thức. Ảnh: Hoàng Nhưỡng

Tính đến năm 2024, mới chỉ có hơn 30 cơ sở đào tạo đại học chính quy tại Việt Nam đưa ngành thương mại điện tử vào chương trình chính thức. Trong khi đó, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao đang gia tăng nhanh chóng ở cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ lẫn các cơ quan quản lý nhà nước.

Một nghịch lý đang tồn tại: sinh viên học thương mại điện tử ra trường lại thiếu kỹ năng thực chiến; còn doanh nghiệp thì mỏi mắt tìm kiếm người có thể “nhảy vào việc ngay”. Chưa kể, nội dung đào tạo của nhiều trường vẫn nặng lý thuyết, chưa cập nhật kịp với xu hướng thị trường như thương mại xuyên biên giới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, blockchain, phân tích dữ liệu lớn…

Nếu không sớm có những chiến lược nâng cấp chương trình, tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ có thương mại điện tử nhưng thiếu người vận hành: có công nghệ mà không có con người tương thích.

Đào tạo gắn với thực chiến, nghề gắn với thị trường

Trong bối cảnh đó, mô hình đào tạo “học để làm” đang nổi lên như một hướng đi đột phá. Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đang trở thành một hình mẫu tiên phong trong triển khai chương trình thương mại điện tử thực tiễn, chất lượng cao, gắn với nhu cầu thị trường.

Trao đổi với Báo Công Thương, TS Đồng Trung Chính, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường luôn hướng đến triết lý: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số.

Là một cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc đào tạo kỹ năng nghề, mà còn xác định rõ sứ mệnh quốc gia, là nơi tiếp sức cho thanh niên, đặc biệt là những em đến từ các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn có cơ hội học tập, khởi nghiệp và vươn lên bằng năng lực thực chất.

Chúng tôi xây dựng các chương trình học thiết thực, chi phí hợp lý, học bổng rộng mở, và tăng cường liên kết doanh nghiệp để sinh viên dù xuất phát từ đâu cũng có thể hội nhập, phát triển”, TS Đồng Trung Chính nhấn mạnh.

Thương mại điện tử: Trụ cột cho chuyển đổi số ngành Công Thương
Mô hình đào tạo “học để làm” đang nổi lên như một hướng đi đột phá. Ảnh: Hoàng Nhưỡng

Cụ thể, trường đã xây dựng hệ sinh thái học tập “thực chiến”: từ phòng máy, studio livestream, sàn thương mại điện tử mô phỏng, đến nền tảng đào tạo trực tuyến. Đội ngũ giảng viên được “nâng cấp” cả về chuyên môn lẫn tư duy giảng dạy, trở thành người thầy giàu kinh nghiệm từ thị trường thực tế, từng trải qua hành trình khởi nghiệp hoặc tư vấn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, điểm đáng giá hơn cả là chương trình học không chỉ dạy kỹ năng, mà đào tạo tư duy - cách học suốt đời, cách cập nhật liên tục và phản ứng nhanh với thị trường. Với triết lý “thực học, thực hành, thực nghiệp”, nhà trường đang truyền cảm hứng cho thế hệ lao động mới không ngừng làm mới mình, thích nghi với mọi thay đổi.

Với vai trò là “xương sống” của nền kinh tế, ngành Công Thương đang đứng trước áp lực phải chuyển mình mạnh mẽ để bắt nhịp kỷ nguyên số. Chuyển đổi số không chỉ còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử được xác định là một trong bốn trụ cột của Chiến lược chuyển đổi số ngành Công Thương giai đoạn 2021–2030, bên cạnh quản lý nhà nước, hạ tầng logistics, và phát triển công nghiệp số.

Thương mại điện tử: Trụ cột cho chuyển đổi số ngành Công Thương
Ngành Công Thương đang đứng trước áp lực phải chuyển mình mạnh mẽ để bắt nhịp kỷ nguyên số. Ảnh: Ngọc Hoa

Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt đề án trọng điểm như: Đề án phát triển thương mại điện tử quốc gia, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, Đề án chuyển đổi số ngành Công Thương… Đồng thời, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TiktokShop, Tiki… cũng đang được tích cực “kéo” về tận thôn bản để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP và hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, nếu thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, thiếu hệ thống đào tạo liên tục cho cán bộ ngành Công Thương tại địa phương, những nỗ lực trên rất dễ rơi vào tình trạng "đầu tư công nghệ nhưng lạc lõng con người". Thương mại điện tử không thể phát triển trong một môi trường thiếu hiểu biết và thiếu chuẩn mực.

Thương mại điện tử không chỉ là con đường ngắn nhất để sản phẩm Việt vươn ra thế giới, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên của cả một nền kinh tế . Để hiện thực hóa điều đó, ngành Công Thương cần trở thành đầu tàu, không chỉ ở cấp chính sách, mà còn ở cấp con người, cấp đào tạo, và cấp hành động thực tiễn.

Thương mại điện tử là chìa khóa để phát triển kinh tế số khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, nơi mà một chiếc điện thoại thông minh có thể là cây cầu nối bà con dân tộc với người tiêu dùng thành thị, thậm chí là quốc tế.

Để hiện thực hóa tầm nhìn ấy, vấn đề đào tạo thương mại điện tử không thể đi sau mà phải đi trước một bước. Sự chủ động đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp của các trường ngành Công Thương cho thương mại điện tử chính là lời khẳng định rằng: đào tạo là nền móng của chuyển đổi số bền vững.

Hoàng Nhưỡng - Ngọc Hoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục