Thương mại đa kênh tiếp tục là "vũ khí" chiến lược của các nhà bán lẻ

(Banker.vn) Là lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề từ dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp bất động sản bán lẻ cũng đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ với chiến lược mới - bán hàng đa kênh.

Ngân hàng và nhà bán lẻ quan tâm phát triển dịch vụ mua trước trả sau

Sắp xuất hiện tổ hợp Trung tâm tài chính - Thương mại - Dịch vụ 4.0 đầu tiên tại Hà Nội

Đông Nam Á từng bước trở thành 'ngôi sao' trong mạng lưới cung ứng

Bán lẻ đa kênh trên cơ sở chuyển đổi số mạnh mẽ được ví như "con đường một chiều" - nơi mà ở đó, doanh nghiệp nào đi sau sẽ đánh mất cơ hội tăng trưởng thần tốc.

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam (MM) cho biết, nhằm đón đầu xu hướng số hóa, từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, MM đã triển khai bán hàng đa kênh và ngày càng hoàn thiện giải pháp bán hàng trực tuyến nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng trong kỷ nguyên số.

5724-thuongmai
Ảnh minh họa

Hiện nay, MM có kênh bán hàng trực tuyến với 3 hình thức là website MM Click & Get, Zalo và telesales. Trong thời gian tới, MM sẽ ra mắt MMPro - website mua sắm trực tuyến dành cho khách hàng chuyên nghiệp với giá sản phẩm và giải pháp được thiết kế cho từng khách hàng chuyên biệt.

Đặc biệt, ứng dụng MCard cũng được MM giới thiệu rộng rãi tới khách hàng hộ gia đình (B2C) với nhiều tính năng hữu ích như tích lũy và đổi điểm thưởng, cập nhật chương trình khuyến mãi và tra cứu lịch sử mua hàng. Ngoài ra, trong năm 2022, MM sẽ tiếp tục triển khai các hình thức thanh toán không tiền mặt trên cả 2 kênh mua sắm trực tuyến và trực tiếp.

Cụ thể, khách hàng khi mua sắm trực tiếp hay trực tuyến tại các trung tâm MM Mega Market có thể áp dụng thanh toán không tiền mặt thông qua kênh ví điện tử Momo, VNPay, quét mã QR, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa và ZaloPay (áp dụng với đơn hàng mua qua kênh Zalo).

Đồng quan điểm, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho hay, chuyển đổi số đồng nghĩa với việc ứng dụng công nghệ vào sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chẳng hạn khi khách hàng tìm kiếm thông tin/xem sản phẩm trên các trang thương mại điện tử và thực hiện thanh toán mà không cần dùng đến tiền mặt. Theo đó, trong năm 2022, AEON Việt Nam sẽ tập trung phát triển các ứng dụng, nền tảng kỹ thuật số, từ đó thúc đẩy tăng trưởng số lượng người dùng và từ dữ liệu mua sắm của người dùng, doanh nghiệp có thể nắm bắt được nhu cầu, hành vi của khách hàng và đưa ra giải pháp phù hợp để nâng cao trải nghiệm mua sắm của họ.

"Hiện nay, tại các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tăng trưởng liên tục. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này đạt khoảng 75-80% và với tốc độ phát triển thương mại điện tử hiện nay, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ sớm bắt kịp. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần tăng tốc để khuyến khích và tạo điều kiện cho khách hàng trong việc sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt", ông Furusawa Yasuyuki nói.

Là xu hướng không thể đảo ngược, bán hàng đa kênh ngày càng được chú trọng. Theo bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Giám đốc Cấp cao Cushman & Wakefield Việt Nam, bán hàng đa kênh là "cứu tinh" của ngành bán lẻ trong thời đại số hóa. Các nhà bán lẻ khởi đầu bằng cửa hàng trực tuyến có thể thu lợi tại cửa hàng truyền thống thông qua những dữ liệu thu thập được từ internet.

Theo đại diện nhà bán lẻ này, là thành viên của Tập đoàn FPT - tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, FPT Retail có nhiều thuận lợi khi nhận được sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ cũng như các thành viên khác, nhất là về công nghệ.

"Trong năm qua, FPT Retail đã ký kết hợp tác chiến lược với FPT Software để thực hiện chuyển đổi số. Năm nay, FPT Retail cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ vào dự án chuyển đổi số và không ngừng hoàn thiện nền tảng bán lẻ số để tăng hiệu suất vận hành, nâng cao trải nghiệm ‘thông minh’ cho khách hàng", đại diện FPT Retail cho biết.

Cũng đang đẩy mạnh hoạt động này, trao đổi với phóng viên, ông Christian Olofsson - Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản, Central Retail Việt Nam thông tin, công tác chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống Central Retail, các kênh tương tác như Facebook, Zalo, Instagram, telesales… cũng đồng loạt được đẩy mạnh.

Riêng mảng bất động sản bán lẻ nói chung, trung tâm thương mại nói riêng, công tác chuyển đổi số được tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm dịch vụ. Cụ thể, đối với khách thuê mặt bằng là việc cập nhật các chương trình cho thuê, các chương trình khuyến mãi, các hoạt động kết nối khách thuê với nhau, còn với khách hàng là gia tăng sự tiếp xúc, tương tác.

Báo cáo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 của Lazada cho thấy, quy mô thị trường đạt mức 13 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam có 8 triệu người dùng trực tuyến mới chỉ trong nửa năm 2021.

Trong năm qua, có 84% người thuộc thế hệ X và 4,5 triệu người tiêu dùng mới ở các khu vực phi thành thị tham gia mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam, đồng thời có 53% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm qua mạng.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục