Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

(Banker.vn) Xây dựng thương hiệu quốc gia từ nội lực đổi mới là chiến lược bền vững, giúp doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế, tạo sức cạnh tranh dài hạn trên thị trường.
Doanh nghiệp Việt chuyển mình 'xanh hoá' từ tư duy đến hành động Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025 Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thương hiệu quốc gia là tài sản chiến lược trong tiến trình hội nhập

Nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2025), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003. Vậy, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của Chương trình sau hơn 20 năm được Bộ Công Thương và các Bộ, ngành triển khai, đặc biệt trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu và góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ?

Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Đỗ Nga

- Ông Hoàng Minh Chiến: Trải qua hơn 20 năm, với sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số hiệu quả nhất định như sau:

Thứ nhất, nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã được nâng cao rõ rệt.

Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp quan tâm đến Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của Chương trình tăng đều qua các năm. Năm 2024, kỳ xét chọn lần thứ 9 đã có 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng hơn 6 lần so với năm 2008 - là năm đầu tiên tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025. Sự kiện diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21/4/2025 trên phạm vi cả nước. Ảnh: Đỗ Nga

Thứ hai, nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241. Vẫn theo Brand Finace, Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Điều này giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.

Thương hiệu VinFast lần đầu tiên được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD, bước đầu đánh đấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.

Thứ ba, giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm.

Theo Brand Finance – tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 là 102%. Đến năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023 dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường

Đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua.

Thương hiệu quốc gia là chứng nhận danh giá, uy tín, song, chỉ có thời hạn trong 2 năm. Vậy ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của doanh nghiệp để duy trì được chứng nhận đó? Bên cạnh đó, Chương trình cũng có các hoạt động gì để có thể thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, thưa ông?

- Ông Hoàng Minh Chiến: Về nỗ lực của doanh nghiệp để duy trì được chứng nhận Thương hiệu quốc gia: Việc duy trì danh hiệu Thương hiệu quốc gia không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp giữ vững chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn phải liên tục đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, đầu tư vào công nghệ và phát triển thương hiệu một cách bài bản. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, tôi đánh giá cao sự chủ động và quyết tâm của các doanh nghiệp đã đạt Thương hiệu quốc gia – họ không xem đây là đích đến mà là cam kết lâu dài với thị trường và người tiêu dùng.

Chính thời hạn 2 năm đã tạo ra áp lực tích cực, buộc doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, cải thiện để được xét chọn lại. Điều này góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của hệ thống doanh nghiệp Việt, tạo ra một chuẩn mực mới về thương hiệu mang tầm quốc gia. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực như đào tạo, kết nối thị trường… để đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình giữ vững và nâng tầm thương hiệu.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Các đại biểu nhấn nút khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025. Ảnh: Đỗ Nga

Về giải pháp thu hút doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình: Chúng tôi xác định việc mở rộng số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình là nhiệm vụ quan trọng, nhằm lan tỏa giá trị và tầm ảnh hưởng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Trong thời gian qua, Chương trình đã triển khai nhiều hoạt động để kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp mới tham gia, cụ thể như:

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền trên các nền tảng báo chí, truyền hình, mạng xã hội và tại các sự kiện xúc tiến thương mại nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích của việc đạt chứng nhận Thương hiệu quốc gia.

Tổ chức các hội thảo, hội nghị giới thiệu Chương trình Thương hiệu quốc gia tại nhiều địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất... để tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo, công nghệ cao, nông sản xuất khẩu.

Hợp tác với các hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, qua đó lan tỏa thông tin đến từng nhóm doanh nghiệp ngành nghề cụ thể.

Xây dựng cẩm nang hướng dẫn và tư vấn hồ sơ xét chọn qua email, điện thoại giúp doanh nghiệp hiểu rõ tiêu chí, quy trình và cách thức đăng ký một cách minh bạch, dễ tiếp cận hơn.

Chúng tôi tin rằng với sự đồng hành từ Trung ương đến địa phương và nỗ lực từ chính doanh nghiệp, số lượng đơn vị tham gia xét chọn và đạt Thương hiệu quốc gia sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới – qua đó góp phần khẳng định vị thế hàng Việt trên trường quốc tế.

Với chủ đề Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo. Ông có thể chia sẻ lý do lựa chọn chủ đề này cũng như đánh giá của ông về sự chủ động của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam như thế nào trong việc chủ động thích ứng đổi mới, sáng tạo để hội nhập với quốc tế?

- Ông Hoàng Minh Chiến: Về lý do lựa chọn chủ đề năm nay: “Bứt phá từ đổi mới sáng tạo”. Thứ nhất, Đổi mới – sáng tạo là một trong ba tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam mà các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia luôn phải hướng tới và theo đuổi: Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong

Thứ hai, đổi mới, sáng tạo là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những biến động sâu rộng, đổi mới và sáng tạo đã trở thành yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh và tạo ra những giá trị khác biệt thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Thứ ba, đổi mới, sáng tạo ở đây không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy quản trị, mô hình kinh doanh và chiến lược thương hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ. Khi các doanh nghiệp chú trọng đổi mới, họ có thể khẳng định vị thế trên thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Thứ tư, trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội.

Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, khuyến khích họ đầu tư vào công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó nâng tầm vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Về sự chủ động của doanh nghiệp trong việc chủ động thích ứng đổi mới, sáng tạo để hội nhập với quốc tế của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia: Một trong ba tiêu chí tiên quyết để các doanh nghiệp được đồng thành cùng Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là phải có sản phẩm thể hiện tính đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, cứ 2 năm, Chương trình sẽ đánh giá lại. Vì vậy, thực tế các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia đều phải chủ động thích ứng với việc đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí, chế biến chế tạo và vật liệu xây dựng – vốn đòi hỏi cao về năng lực đổi mới – đã thể hiện rõ sự chuyển mình mạnh mẽ. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc nhóm này tăng từ 16% vào ký xét chọn lần thứ 7 năm 2020 lên gần 32% vào kỳ xét chọn lần thứ 09 năm 2024, minh chứng cho tư duy phát triển mang tính chiến lược, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại, cải tiến mô hình kinh doanh và định vị thương hiệu để hội nhập quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia tiêu biểu như VinFast, MISA, hay VNPT VinaPhone đã tiên phong đổi mới từ nội lực. VinFast xây dựng hệ sinh thái xe điện toàn diện, MISA tích hợp AI vào toàn bộ quy trình sản xuất - kinh doanh, trong khi VNPT VinaPhone dẫn đầu trong chuyển đổi số và công nghệ 5G. Những bước đi chủ động, mạnh dạn và sáng tạo này không chỉ thể hiện khát vọng hội nhập mà còn khẳng định bản lĩnh thương hiệu Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế số và toàn cầu hóa.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 là 102%. Ông kỳ vọng như thế nào về những giá trị mà Chương trình sẽ mang lại cho doanh nghiệp trong những năm tới?

- Ông Hoàng Minh Chiến: Trong những năm tới, tôi kỳ vọng Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục là bệ phóng chiến lược, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về giá trị thương hiệu, từ đó chủ động đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản trị thương hiệu và phát triển bền vững. Khi doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu mạnh, uy tín không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, đó sẽ là tài sản vô hình có giá trị lâu dài, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, tôi tin rằng Chương trình sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp với các nguồn lực trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với nền tảng đã được xây dựng và định hướng rõ ràng, Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trên hành trình hội nhập, khẳng định vị thế “Thương hiệu Việt Nam – chất lượng, đổi mới, tiên phong” trên trường quốc tế.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục