Thuốc lá: Gánh nặng kép cho sức khỏe và kinh tế

(Banker.vn) Trên toàn cầu, thuốc lá không chỉ là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người mà còn gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Vì sao hút thuốc lá lại khiến bạn già đi nhanh chóng? Những tác hại khôn lường của thuốc lá đối với môi trường Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Nguy cơ mới đe dọa sức khỏe cộng đồng

Theo thống kê, mỗi năm, ngành công nghiệp thuốc lá “nuốt chửng” cả tỷ đô la từ các quốc gia, đồng thời gián tiếp gây ra những tổn thất kinh tế khổng lồ.

Trên thế giới có khoảng 1,1 triệu vụ cháy do thuốc lá gây ra, trong đó có 17.300 ca tử vong, 60.000 ca thương tích và gây tổn thất về tài sản khoảng 27 tỷ USD. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tại các nước phát triển, chi phí chăm sóc sức khỏe do thuốc lá ước tính chiếm 6-15% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm. Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây lãng phí kinh tế của các hộ gia đình. Tiền mua thuốc lá làm giảm chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe hộ gia đình. Trung bình ở các nước, các hộ gia đình nghèo có người hút thuốc phải tiêu tốn 3-15% thu nhập của cả hộ gia đình cho thuốc lá.

thuốc lá không chỉ là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người mà còn gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng
Thuốc lá không chỉ là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người mà còn gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới, thì có 1 người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc lá cao khiến Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng lớn về sức khỏe con người và kinh tế. Mỗi năm, thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong, chi phí điều trị và mất giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra tiêu tốn một khoản chi phí không hề nhỏ.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên các căn bệnh hiểm nghèo, ung thư. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm chỉ trong 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) đã chiếm một con số khổng lồ, lên tới 23 ngàn tỷ đồng/năm. Đây mới chỉ là chi phí trực tiếp 25 bệnh do thuốc lá gây ra, nếu tính cả chi phí gián tiếp gây ra cho xã hội do bệnh tật và tử vong sớm, thì con số tổn thất sẽ cao hơn rất nhiều.

Người hút thuốc lá sẽ tiêu phí một khoản tiền khá lớn để mua thuốc lá, làm ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ở những gia đình kinh tế khó khăn. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Số tiền chi cho thuốc lá tương đương chi cho giáo dục, y tế, thậm chí ở các hộ nghèo, chi phí dành cho thuốc lá gấp 1,5 lần dành cho giáo dục. Nếu số tiền chi cho thuốc lá dùng mua thực phẩm thì 11,2% hộ nghèo sẽ thoát nghèo.

Bên cạnh đó, đất canh tác dùng cho sản xuất các loại cây lương thực bị thu hẹp lại, nhường chỗ để trồng cây thuốc lá. Rác do thuốc lá cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Khói thuốc tỏa ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường, khiến những người xung quanh mắc bệnh do hít phải khói thuốc lá thụ động. Ngoài ra, thuốc lá còn có nguy cơ gây ra những vụ hỏa hoạn lớn và những vụ cháy rừng tàn phá tài nguyên quốc gia.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của thuốc lá đối với kinh tế xã hội, cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ như tăng cường tuyên truyền thông tin về gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra với ngân sách nhà nước, hộ gia đình và xã hội nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá trong nhân dân và các cơ quan nhà nước. Tăng cường thực thi các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến chính sách giá và thuế thuốc lá, nhằm giảm lượng tiêu thụ thuốc lá.

Thuốc lá không chỉ là một thói quen xấu mà còn là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, gây ra những hậu quả kinh tế khổng lồ. Việc giảm thiểu tác hại của thuốc lá là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương