Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy kể từ khi có hiệu lực từ cuối năm 2015, VKFTA đã giúp kim ngạch thương mại và đầu tư song phương tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 65,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm kim ngạch thương mại song phương Việt - Hàn đạt 31,6 tỷ USD.
Thủy sản là một trong những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc |
Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2019, Hàn Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong tổng số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có gần 8.000 dự án đầu tư Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 64 tỷ USD.
Theo ông Yoon Joo Young - Trưởng Cơ quan đại diện Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, những số liệu tích cực trên có được một phần rất quan trọng là nhờ VKFTA. Việc hiệp định này có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam để đầu tư kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến chính sách Hướng Nam gần đây của Chính phủ Hàn Quốc. Chính sách này hướng đến các thị trường Nam Á, Đông Nam Á... và Việt Nam là một điểm đến quan trọng. Điều này càng được khẳng định khi thời gian vừa qua, nhiều cơ quan đại diện ở nước ngoài của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á từ Singapore, Malaysia... đã được chuyển đến Việt Nam.
Cán cân thương mại cần cân bằng hơn
Mặc dù có sự tăng trưởng thương mại nhưng hiện cán cân này lại đang nghiêng về phía Hàn Quốc. Tính riêng trong năm 2018 xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8% nhưng lại nhập khẩu từ Hàn Quốc 47,5 tỷ USD. Và 6 tháng đầu năm 2019 mức nhập siêu từ Hàn Quốc của Việt Nam ở con số khá cao khi Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc 9,1 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân của thâm hụt này là do sau khi VKFTA có hiệu lực, đầu tư từ các DN Hàn Quốc vào Việt Nam tăng vọt, trong đó cả về vốn, công nghệ, nguyên liệu, linh kiện và phụ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đều tăng mạnh để phục vụ cho sản xuất.
"Dù Việt Nam có những linh kiện, thành phẩm và các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng tốt trong thời gian qua nhưng quy mô vẫn còn rất nhỏ. Điều đó cho thấy DN Việt Nam cần nỗ lực trong sản xuất, xuất khẩu để cải thiện thâm hụt thương mại, tận dụng tốt hơn các ưu đãi trong VKFTA" - ông Kim Hyung Joo - Tổng cục trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp Năng lượng Hàn Quốc - chia sẻ.
Ông Choi Dae Kyoo - chuyên gia dịch vụ hải quan và thuế (Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Quốc - Việt Nam) - cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn đến việc các DN chưa tận dụng được VKFTA như kỳ vọng. Trong đó, sự thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục trong nguồn nguyên liệu cũng hạn chế trong việc xây dựng các chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ là nguyên nhân hàng đầu.
Ông Choi Dae Kyoo - chuyên gia dịch vụ hải quan và thuế: Để tận dụng các cơ hội mà VKFTA mang lại, DN Việt cần thiết lập các bộ phận xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu liên quan đến các FTA. Đồng thời, thiết lập một mạng lưới chia sẻ thông tin với các DN đã có kinh nghiệm trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như VKFTA là hết sức cần thiết. |
Ngọc Thảo
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|