Thực tế triển khai tín dụng tiêu dùng cho người yếu thế của FE Credit: Kết quả, khó khăn và đề xuất

(Banker.vn) Dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của FE CREDIT nói riêng và các công ty tài chính do NHNN cấp phép và quản lý nói chung lại bị hiểu nhầm là “tín dụng đen”. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty.

Kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt nhiều vấn đề sau 2 năm COVID, bão lũ, thiên tai … đặc biệt là công tác khôi phục, tái thiết nền tảng sức khỏe, tài chính cho người lao động, người dân yếu thế trên khắp đất nước. Bởi đây vừa là đối tượng cơ sở, là lực lượng lao động quan trọng của xã hội và cũng vừa là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất mỗi khi bất ổn kinh tế xảy ra. Vừa qua, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các tổ chức tài chính đã đồng thuận xây dựng gói hỗ trợ tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hướng đến lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. FE CREDIT vinh dự là một trong hai tổ chức tài chính được lựa chọn đồng hành với chương trình này.

Bên cạnh thế mạnh về công nghệ có thể đảm bảo triển khai gói tín dụng tiêu dùng trên diện rộng, FE CREDIT còn là tổ chức đi đầu trong việc xây dựng, phát triển bộ sản phẩm tiêu dùng dành cho người yếu thế từ những ngày đầu thành lập.

Bài viết khái quát về tình hình triển khai hoạt động cho vay tiêu dùng đối với người yếu thế tại FE CREDIT thời gian qua cũng như có một số kiến nghị nhằm hướng đến mục tiêu “An toàn tài chính tiêu dùng” cho cả khách hàng lẫn công ty như sau:

Hình minh họa - Nguồn: Internet

I. Thực tế triển khai vay tiêu dùng cho người yếu thế tại FE CREDIT

Tại FE CREDIT, có khoảng 70-80% tổng số lượng khách hàng của công ty là người lao động có thu nhập trung bình – thấp, chủ yếu là người lao động yếu thế như công nhân, nông dân, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết mục đích vay đều xuất phát từ nhu cầu vay chính đáng như chi phí sinh hoạt, chữa bệnh, nâng cấp phương tiện đi lại, tiền học phí…

Cụ thể, từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022, trong số 17,4 triệu người mà công ty đã tiếp cận thì có tới 7,2 triệu là phụ nữ và chiếm hơn 41%. Đồng thời, số lượng khách hàng nữ vay FE CREDIT là 2,67 triệu khách hàng. Để có thể tiếp cận cũng như triển khai cho vay trên diện rộng, chúng tôi đã chủ động, tích cực thiết kế các sản phẩm vay phù hợp với từng nhu cầu.

Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch COVID-19 vừa qua, công ty đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người yếu thế vượt qua khó khăn. Riêng trong năm 2021, FE CREDIT đã có tới 400.000 khoản vay ưu đãi với dư nợ cho vay đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi FE CREDIT đã miễn, giảm cho khách hàng khoảng 223 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 150.000 khách hàng.

Bước sang năm 2022, khi kinh tế bắt đầu phục hồi, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng dần trở lại, FE CREDIT tiếp tục đưa ra các gói vay ưu đãi, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm trên nền tảng số, giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay.

Hiện tại, FE CREDIT có đầy đủ nền tảng ngân hàng lõi giúp quản lý khoản vay, thu hồi nợ hiệu quả, đồng thời với việc triển khai thành công công nghệ cho vay trực tuyến sẽ là một thế mạnh giúp Công ty có thể rút ngắn khoảng cách, thời gian tiếp cận khách hàng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát thông tin, khoản vay một cách an toàn. Với thế mạnh công nghệ sẵn có, FE CREDIT tự tin sẽ triển khai thành công gói vay tiêu dùng 10.000 tỷ đồng cho đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp với lãi suất giảm 50% so với lãi suất hiện hành. Sản phẩm vay cũng đa dạng và linh hoạt với giá trị vay từ 10-70 triệu đồng có kỳ hạn từ 6-24 tháng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp thêm tiện ích từ dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng.

Thông qua chương trình này, chúng tôi cũng mong muốn đồng hành cùng Tổng liên đoàn và Công đoàn địa phương để tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động như các chương trình thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tổ chức các chương trình chia sẻ nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho người lao động cũng như giao lưu, gắn kết và tạo sân chơi lành mạnh cho công nhân tại các Khu công nghiệp để tăng tinh thần gắn kết như Ngày hội gia đình, Phiên chợ công nhân, Tết sum vầy…

II. Những khó khăn và vướng mắc khi triển khai vay tiêu dùng cho người yếu thế

1. Khó khăn trong công tác thu hồi nợ

Thời gian qua, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của FE CREDIT nói riêng và các công ty tài chính do NHNN cấp phép và quản lý nói chung lại bị hiểu nhầm là “tín dụng đen”. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

Không những vậy một bộ phận người dân còn lôi kéo, rủ nhau bùng nợ, khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp càng nhiều khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề kiến thức tài chính cá nhân ở nước ta còn hạn chế. Người vay chưa ý thức rõ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với khoản vay, không quan tâm đến hậu quả khi có nợ xấu.

Ngoài ra, mặc dù pháp luật hiện nay đã có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay tiền, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay.

2. Lựa chọn app cho vay chính thống gặp nhiều khó khăn

Hiện nay, “tín dụng đen” nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt chúng hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển các ứng dụng (app) cho vay. Thậm chí, nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Với việc hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát các app này. Điều này cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty tài chính. Về mặt dài hạn, có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho “tín dụng đen” phát triển.

3. Nhiều hình thức lừa đảo tinh vi, sử dụng công nghệ cao

Bên cạnh khó khăn trong công tác cho vay và thu hồi nợ, là những khó khăn do các thủ đoạn lừa đảo tín dụng công nghệ cao. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo lợi dụng uy tín của các công ty tài chính được NHNN cấp phép như FE Credit để chiếm đoạt tiền của người dân thông qua các chiêu trò như tin nhắn mạo danh thương hiệu, gửi các đường link giả mạo trang web công ty, đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt sim điện thoại… khiến người dân hoang mang và từ chối tiếp nhận các cuộc gọi, tiếp xúc từ nhân viên công ty tài chính. Thậm chí, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo.

5. Các khó khăn trong quá trình triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng

Sau các cuộc khảo sát, chúng tôi ghi nhận nhu cầu vay tiền mặt của công nhân, người lao động là rất cao. Tuy nhiên việc giải ngân cho vay của công ty đang theo lộ trình Thông tư 43/2016/TT-NHNN khi đến tháng 1/2023, tỷ trọng giải ngân tiền mặt đối với cho vay tiêu dùng sẽ xuống 50% và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024. Vì vậy, để có thể triển khai gói vay hiệu quả, rất mong NHNN xem xét điều chỉnh tỷ lệ để công ty có thể đáp ứng tối đa và tốt nhất nhu cầu vay tiền của người lao động.

Mặc dù nhu cầu vay của công nhân hiện nay rất lớn nhưng để đáp ứng một cách trọn vẹn, giảm thiểu rủi ro thấp nhất là một vấn đề lớn. Trong bối cảnh biến động hiện nay, nhiều công nhân có thể nghỉ việc, đổi việc liên tục khiến công ty tài chính không thể nắm bắt nhanh những thay đổi. Do đó, FE CREDIT cần có đầu mối trung gian, cung cấp thông tin của người lao động để đảm bảo việc cho vay và kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong có sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời từ Tổng Liên đoàn Lao động, liên đoàn lao động cơ sở trong việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa công ty tài chính với người lao động, người sử dụng lao động.

III. Một số đề xuất, kiến nghị

Các công ty tài chính rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành trong việc tiếp cận, cung cấp những khoản vay chính thống cho những đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của “tín dụng đen” như công nhân, nông dân, sinh viên…. Hiện tại, trong quá trình triển khai gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng cho công nhân, FE CREDIT rất mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ phía công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý doanh nghiệp để có thể tiếp cận tới công nhân và triển khai cho vay một cách hiệu quả.

Thứ nhất, mong muốn NHNN xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho vay tiền mặt của các công ty tài chính phù hợp với tình hình hoạt động cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vay tiền mặt của công nhân vẫn rất cao, chưa thể đáp ứng đủ.

Thứ hai, mong muốn NHNN phối hợp cùng các Bộ/Ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý, tăng cường, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ.

Thứ ba, Chính phủ và các bộ/ngành liên quan xem xét tạo điều kiện cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp công ty tài chính định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực cho các tổ chức tín dụng cũng như cả xã hội.

Thứ tư, cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua ứng dụng di động.

Thứ năm, nâng cao mức chế tài đối với các hành vi cố ý chây ì, trốn nợ. Xem xét khả năng hình sự hóa hành vi này nếu chứng minh được dấu hiệu cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Thứ sáu, đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn…

(*) Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (thương hiệu FE CREDIT)

Nguyễn Thành Phúc (*)

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục