Thực hư tin Mỹ triển khai vũ khí siêu thanh ở Đức?

(Banker.vn) Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai các hệ thống tấn công tầm xa, bao gồm cả vũ khí siêu thanh ở Đức vào năm 2026.
Vì sao tên lửa siêu thanh Zircon được gọi là “bất khả chiến bại”? NATO “lạnh sống lưng” khi tàu chiến mạnh nhất của Nga mang theo Zircon tiến thẳng ra Địa Trung Hải

Mỹ sẽ bắt đầu triển khai hỏa lực tầm xa cho lực lượng đặc nhiệm ở Đức vào năm 2026, như một phần trong kế hoạch triển khai lâu dài khả năng phòng thủ trong tương lai”, hãng tin Sputnik trích tuyên bố chung được công bố tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO đang diễn ra ở Washington.

Các hệ thống tấn công tầm xa trong tương lai của Mỹ sẽ được triển khai tới Đức bao gồm SM-6, Tomahawk và vũ khí siêu thanh. Lầu Năm Góc nhấn mạnh, các vũ khí được triển khai sẽ có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên mặt đất hiện tại ở châu Âu.

Thực hư tin Mỹ triển khai vũ khí siêu thanh ở Đức?
Mỹ sắp triển khai vũ khí tầm xa và tên lửa siêu thanh ở Đức. Ảnh: Pixabay

"Việc thực hiện các bước đi tăng cường vũ khí hiện đại sẽ chứng minh cam kết của Mỹ với NATO cũng như những đóng góp của nước này vào cải thiện khả năng răn đe tổng hợp của châu Âu", tuyên bố chung nêu rõ, đồng thời cho biết việc triển khai của Mỹ sẽ diễn ra theo đợt.

Trước đó, theo các báo cáo, Mỹ vẫn chưa chế tạo thành công vũ khí siêu thanh và đã hủy bỏ mọi dự án siêu vượt âm kể từ lần thử nghiệm thành công đầu tiên vào năm 2017.

Theo hãng tin Reuters, việc triển khai các loại vũ khí mà Mỹ-Đức đề cập đến châu Âu bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn được Mỹ ký với Liên Xô từ năm 1987, cấm hai bên phát triển và triển khai các loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km.

Năm 2019, Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp ước INF với cáo buộc Nga vi phạm văn kiện khi thông báo phát triển, thử nghiệm trở lại các mẫu vũ khí bị Hiệp ước INF cấm. Nga cương quyết bác bỏ cáo buộc và cũng rời khỏi Hiệp ước INF để đáp trả.

Trong khi đó, đầu tháng 7, Tổng thống Putin tuyên bố, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sẵn sàng sản xuất các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn bị cấm theo hiệp ước từng ký với Mỹ, viện dẫn lý do “các hành động thù địch” của Washington.

Mỹ không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa như vậy mà còn đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch để sử dụng trong các cuộc tập trận. Cách đây không lâu, có thông tin cho rằng các loại tên lửa đó đang ở Philippines”, ông Putin nhấn mạnh.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương