Thực hư những “phiên livestream trăm tỷ” làm nóng nghị trường Quốc hội

(Banker.vn) Những phiên livestream trăm tỷ là thật hay ảo cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng để làm rõ. Về công tác quản lý, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp.
Ẩn số phiên livestream 100 tỷ đồng: Người trong nghề "bóc" tỷ lệ huỷ đơn Hơn 31.500 người livestream bán hàng vào ''tầm ngắm'' của ngành Thuế Longform | Doanh nghiệp miền núi livestream bán hàng 30 phút chốt hàng nghìn đơn, thu về nửa tỷ đồng

Bộ trưởng đã trả lời các nội dung đại biểu chất vấn

Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về hoạt thương mại điện tử chiều qua 4/6, trên các nền tảng xã hội và một số trang thông tin điện tử xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật, cho rằng đại biểu chưa rõ câu trả lời của Bộ trưởng.

Cụ thể, một số trang mạng xã hội cho rằng: “Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên, đặt câu hỏi rằng liệu Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có nghĩ việc livestream bán hàng trên mạng xã hội thu về hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày là thật hay không? Ông Nghĩa cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá việc giá bán trên livestream rẻ hơn cả giá bán ở các đại lý. Sau khi đặt câu hỏi, ông Nghĩa không nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Sử dụng quyền tranh luận, ông Nghĩa nhắc lại câu hỏi lần thứ hai. Lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lại yêu cầu ông Diên trả lời câu hỏi của ông Nghĩa bằng văn bản”.

Nếu theo dõi phiên chất vấn chiều qua, dễ dàng nhận thấy đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, đã được cắt cúp đi phần nội dung Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời rất rõ ràng sau đó.

Cụ thể, trước khi trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trả lời tranh luận của đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với nội dung tương tự.

Thực hư những “phiên livestream trăm tỷ” làm nóng nghị trường Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo giải trình và trả lời chất vấn các đại biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, việc quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung và hoạt động livestream nói riêng là thực sự khó khăn. Để quản lý được hoạt động này, không chỉ là trách nhiệm của ngành Công Thương mà còn là trách nhiệm của rất nhiều ngành khác như Thông tin và Truyền thông, Tài chính...

Vì vậy, giải pháp tốt nhất, trước hết là phải có sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan. Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, trao đổi.

Thứ hai, cần có sự chia sẻ thông tin trong quản lý giữa các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý sai phạm, đặc biệt là chống thất thu thuế trong môi trường thương mại điện tử.

Thứ ba, do các hoạt động này biến hóa khôn lường, các quy định pháp luật của chúng ta cần tiếp tục được rà soát để sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Đây là lĩnh vực mới, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều gặp phải.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, quy mô thương mại hiện tại khoảng 21 tỷ USD và sẽ còn phát triển nữa trong tương lai. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách hiện nay.

Thứ tư, phải phát huy vai trò của hệ thống chính trị.

Thứ năm, là vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét xử lý ban đầu những xung đột lợi ích có thể xảy ra trong lĩnh vực này.

"Trong trường hợp chúng ta chứng minh được những hành vi là vi phạm pháp luật, sẽ có hình thức xử lý như xóa vĩnh viễn những trang này, hoặc yêu cầu những chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi những hành vi của mình", Bộ trưởng nêu rõ.

Đối với nội dung trả lời câu hỏi tranh luận của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Nội dung tranh luận của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ý thứ 2 Bộ trưởng có thể trả lời bằng văn bản vì ý thứ 2 trả lời sẽ rất là dài, không đủ thời gian. Bộ trưởng có thể trả lời ý thứ nhất”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn xin được trả lời luôn tại nghị trường. Với những trường hợp phát hiện vi phạm, chúng tôi hoàn toàn có thể hoàn tất hồ sơ để chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Còn làm thế nào để quản lý được hoạt động livestream? Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, như đã báo cáo và nội dung trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ, việc này cần sự phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng có liên quan để rà soát lại các quy định của pháp luật, cũng như làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được hiện tượng này.

Góc khuất những phiên livestream trăm tỷ

Trong phần chất vấn về hoạt động thương mại điện tử, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên nêu vấn đề xung quanh một số trường hợp livestream bán hàng đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

“Đây là một con số rất lớn. Tôi xin hỏi 2 ý, thứ nhất là chúng ta làm thế nào để quản lý được chất lượng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và ý thứ 2 là giá bán qua các sàn thương mại điện tử, qua livestream như vậy lại rẻ hơn giá bán thông qua các đại lý đang gây bất ổn và hoang mang trên thị trường về hàng thật, hàng giả, vậy các cơ quan quản lý cụ thể là Bộ Công Thương, Tổng cục quản lý thị trường quan niệm về vấn đề này như thế nào? Xử lý ra làm sao và chúng ta có những kinh nghiệm quốc tế gì trong quản lý vấn đề này”, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, hiện nay livestream của các cá nhân bán hàng là vấn đề đáng lo và các livestream cá nhân ấy doanh thu lên đến hàng trăm tỷ một ngày. Nếu chúng ta đi theo cái giải pháp là xóa trang đó như Bộ trưởng trình bày trong báo cáo và trình bày trước Quốc hội thì chúng tôi thấy rằng là xóa thì khó nhưng mà lập một trang mới hoàn toàn rất là dễ dàng?

Để có kết luận chính xác về doanh thu thực những phiên livestream được quảng cáo chục tỷ, trăm tỷ này, cần sự phối hợp giữa các bộ ngành như Thông tin và Truyền thông, Tài chính…

Tuy nhiên, nếu theo dõi các phiên livestream được quảng cáo chục tỷ, trăm tỷ này và diễn biến xung quanh nó sẽ dễ dàng nhận thấy, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà chính ekip muốn đưa ra để quảng cáo, làm hình ảnh.

Nhiều chuyên gia và “người trong ngành” đã chỉ ra rằng, phần lớn doanh thu các phiên livestream này đều là ảo, bởi doanh thu này là tổng doanh thu đặt hàng trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, chưa trừ đi doanh thu hoàn đơn và huỷ đơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia và “người trong ngành” còn chỉ ra những tiểu xảo như mua mắt xem, mua bình luận, đặt hàng ảo… để tạo doanh thu, doanh số ảo nhằm đánh bóng tên tuổi, phục vụ mục đích quảng cáo, bán hàng.

Minh chứng rõ nhất là Phạm Thoại - một Tiktoker đình đám với những phiên livestream được quảng cáo đạt doanh số lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng/ phiên.

Tuy nhiên, tháng 4/2023, chị Tô Thị Lan Phương (SN 1977, hiện buôn bán nhỏ lẻ trước cổng chợ Long Biên, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã mời Phạm Thoại tới tham dự sự kiện và livestream bán nước hoa với chi phí 220 triệu đồng. Kết quả, cả phiên livestream Phạm Thoại chỉ đạt được doanh số thực là 20 triệu đồng.

“Sau khi trừ đi chi phí sản xuất, đầu tư và thuê Phạm Thoại bán hàng, tôi lỗ trên 220 triệu đồng", chị Phương chia sẻ với Báo Công Thương hồi tháng 10/2023.

Về công tác quản lý, báo cáo giải trình và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Trong đó, nêu ra 5 nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện, gồm: Một là, công tác hoàn thiện pháp luật; Hai là, công tác tiếp nhận, xử lý khiếu nại từ người tiêu dùng; Ba là, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; Bốn là, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Năm là, công tác cảnh báo, phòng ngừa vi phạm. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu ra 5 giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Vấn đề đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt ra là yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa các gian hàng vi phạm chỉ là một trong rất nhiều giải pháp đã được Bộ Công Thương triển khai trong thời gian vừa qua. Thống kê cho thấy, năm 2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng liên quan tới những vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Nhiều vụ việc bán hàng giả/hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm, đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics - TP. Hồ Chí Minh (thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (thu giữ 14.000 sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng); Menshop79 – Hà Nội (2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton… giá trị hơn 20 tỷ đồng); 145 Hoàng Diệu - Lào Cai (thu giữ 237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm); Vụ bản – Nam Định (thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès)…

Đại Anh

Theo: Báo Công Thương