Thực hiện nhiều giải pháp để xuất nhập khẩu tiếp tục lập kỷ lục

(Banker.vn) Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương đã nêu rõ hàng loạt các giải pháp để đẩy mạnh, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu trước bối cảnh gặp nhiều khó khăn.
Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tiếp tục lập kỷ lục, tăng trưởng 6%, đạt 394 tỷ USD

Ngày 3/2, báo cáo tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Phan Văn Chinh đã báo cáo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng: Trong năm 2022, bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn kể cả từ phía cung và phía cầu. Với một bối cảnh vĩ mô kém thuận lợi, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã quan tâm sát sao đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến công tác phát triển thị trường, công tác thương vụ, đến tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các hiệp hội, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chủ động, linh hoạt trong sản xuất, xuất khẩu, nhờ vậy, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đạt kết quả tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2021. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.

Tuy vậy, những khó khăn của kinh tế thế giới cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do: Kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống còn 2,9% năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự báo suy giảm trong năm 2023, từ tăng trưởng 2,7% năm 2022 xuống dự báo còn tăng 1,2% năm 2023; những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao; lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hoá Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sản xuất, mở rộng xuất khẩu
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu

Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA; thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thuận lợi hơn cho xuất khẩu các sản phẩm nông, thuỷ sản cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất.

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu và phát triển thị trường nước ngoài trong bối cảnh năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023;

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh; tham mưu, điều hành theo sát biến động của kinh tế quốc tế, giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới để hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có sự chủ động khai thác cơ hội, ứng phó kịp thời các khó khăn, thách thức;

Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước CPTPP; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với thị trường Trung Quốc khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại;

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời, tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững;

Phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức thường xuyên hội nghị giao ban giữa các cơ quan Thương vụ với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và vượt qua các rào cản kỹ thuật để thâm nhập các thị trường mới;

Tiếp tục tạo thuận lợi hoá thương mại, cải cách thủ tục hành chính; chú trọng phát triển dịch vụ logistics, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy xuất khẩu.

Với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022. Đây là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Để giữ vững những kết quả đã đạt được về xuất nhập khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, về trung và dài hạn, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa những năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có khả năng tham gia vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Các yếu tố khó khăn, thách thức đối với thương mại toàn cầu hiện nay cho thấy nhu cầu, tính cấp thiết của việc định hướng, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, qua đó có thể tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến bất ổn của thị trường thế giới. Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030. Chiến lược xác định quan điểm phát triển xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ nhấn mạnh yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, đảm bảo hài hoà về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu. Trong đó, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong xác định các mặt hàng có thế mạnh, phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ giải pháp đã được phê duyệt tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030.

Nhóm PV

Theo: Báo Công Thương