Thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng lộ trình cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do

(Banker.vn) Hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung cốt lõi trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, là trụ cột quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế

Hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung cốt lõi trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, là trụ cột quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ chung các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an ninh của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, bởi nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, đặc biệt là việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngành Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc.

Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng của năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 15,23 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nước ta hiện đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA, trong đó nổi bật là: Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia – New Zealand (AANZFTA), Các FTA ASEAN + khác (FTA ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc, FTA ASEAN – Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản).

Tác động của FTA thế hệ mới

Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland(UKVFTA).

Đối với Hiệp định CPTPP, cho đến nay, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 23 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật này về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định và được các Thành viên CPTPP ghi nhận và đánh giá cao.

Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng lộ trình cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do

Về công tác thực thi các cam kết của CPTPP, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo trong các lĩnh vực bao gồm cơ chế áp dụng lộ trình cắt giảm thuế quan, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cấp phép xuất khẩu, mua sắm của Chính phủ, các nghĩa vụ liên quan đến SMEs, viễn thông, đầu mối xử lý đơn thư về lao động, môi trường, trợ cấp thủy sản, danh sách đầu mối thực thi Hiệp định... Bộ cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị, Bộ ngành trong việc theo dõi và khẩn trương xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi, đặc biệt là các nội dung liên quan đến mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ, hải quan.

Vừa qua, ngày 16/7/2023, Bộ trưởng các thành viên CPTPP đã thông qua Quyết định của Hội đồng CPTPP phê duyệt các điều kiện cho việc gia nhập của Vương quốc Anh và ký Nghị định thư gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục theo Luật Điều ước quốc tế để trình Quốc hội phê chuẩn.

Đối với Hiệp định EVFTA, đến thời điểm hiện tại, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật, và các văn bản khác có liên quan để thực thi cam kết của Hiệp định. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định và được các Thành viên EU ghi nhận và đánh giá cao.

Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, sau 3 năm là 58,7% số dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế và sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu song phương đã có sự tăng trưởng đáng kể. Qua 3 năm thực thi EVFTA, Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. Từ đầu năm đến ngày 31/7/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 25 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 24% so với giai đoạn trước khi có hiệp định. Nhìn chung, quá trình thực thi EVFTA diễn ra tương đối thuận lợi, cả Ủy ban châu Âu và Việt Nam đều thực hiện hiệu quả các biện pháp cắt giảm thuế. Mặc dù có những thách thức nhỏ liên quan đến định giá hải quan và bán hàng, nhưng các bên đều nỗ lực để giải quyết các vấn đề kỹ thuật này.

Thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng lộ trình cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do
Chính thức ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA)

Đối với Hiệp định UKVFTA, cho đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành 07 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi UKVFTA. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định và được UK ghi nhận, đánh giá cao.

Hiệp định UKVFTA bao gồm các cam kết về thương mại, có ý nghĩa đặc biệt cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững giữa hai nền kinh tế (Lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội…). Hiệp định được đàm phán dựa trên nền tảng các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo đó, về cơ bản gần như toàn bộ các cam kết về hàng hóa, dịch vụ, mở cửa thị trường đầu tư trong EVFTA vẫn được kế thừa trong UKVFTA với một số điều chỉnh cho phù hợp với mối quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước.

Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 01/01/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 01/01/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng lộ trình cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do
UKVFTA - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 6,83 tỷ USD trong năm 2022, tăng 3,4 % so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2023, thương mại hai chiều Việt Nam, Vương quốc Anh ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước; Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 3,95 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.

Về đầu tư, tính đến 20/7/2022, Vương quốc Anh có 536 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trong 7 tháng 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 28 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 44,9 triệu USD.

Với những nền tảng cam kết và tiến bộ cao kế thừa từ Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương và tạo sức bật kinh tế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức, phát huy quan hệ thương mại tốt đẹp trong thời gian qua, cùng hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng cho Vương quốc Anh và Việt Nam.

Tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam

Có thể thấy, việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.

Theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước ASEAN đã xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 98,6% số dòng thuế, trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trung bình của các thành viên ASEAN-6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) là 99,3% và của 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là 97,7%. Đối với Việt Nam, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA đã đạt khoảng 98%.

Để thực thi cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong Hiệp định ATIGA giai đoạn 2022 - 2027, ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2022/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2022 - 2027.

Hiện nay, đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của ASEAN. Do đó, các Bộ trưởng nhất trí bố trí nguồn lực cho việc thúc đẩy và hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định này theo lộ trình đặt ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã tham dự 02 phiên đàm phán nâng cấp, tập trung vào những vấn đề thương mại hàng hóa truyền thống như minh bạch hóa, xử lý hàng rào phi thuế quan, tạo thuận lợi thương mại để thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối ASEAN, cũng như những vấn đề mới nổi nhằm đảm bảo Hiệp định trở thành một hiệp định thương mại hiện đại, hướng tới tương lai, đáp ứng tình hình mới của khu vực và toàn cầu.

Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2022 đối với Việt Nam.

Để thực thi Hiệp định RCEP, Việt Nam đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP ở cấp Chính phủ (Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022) cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương với 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; và công tác nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.

Bên cạnh đó, để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Chương Thương mại hàng hóa của Hiệp định RCEP, ta đã hoàn thành các công việc. Một là, chuyển đổi Biểu cam kết thuế quan từ phiên bản 2012 sang phiên bản 2017 và từ phiên bản 2017 sang phiên bản 2022 và ban hành Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 nhằm thực hiện cam kết thuế quan theo Hiệp định RCEP (Bộ Tài chính);

Hai là, hoàn thành chuyển đổi Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng từ phiên bản HS 2012 sang phiên bản 2017 và từ 2017 sang 2022 và ban hành các Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 và Thông tư số 32/2022/TT-BCT ngày 18/11/2022 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (Bộ Công Thương);

Ba là, ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT Thông tư số 07/2022/TT-BCT ngày 23 tháng 3 năm 2022 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP (Bộ Công Thương).

Hiện nay, trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định RCEP, Việt Nam cùng các thành viên đang tích cực thảo luận, tập trung vào các công việc như: hoàn thành mục tiêu thiết lập Bộ phận hỗ trợ thực thi RCEP trong năm 2023, tạo tiền đề cho việc thành lập Ban Thư ký RCEP, kích hoạt các Tiểu ban và nhóm công tác, thảo luận về thủ tục gia nhập Hiệp định và các hoạt động hợp tác kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1153/VPCP-QHQT ngày 15/2/2020 về kết quả triển khai Hiệp định CPTPP của các Bộ, ngành, địa phương năm 2019, Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Bộ Công Thương đã dự thảo Đề án xây dựng FTA Index và lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.

Trên cơ sở được sự phê duyệt của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại văn bản số 5678/VPCP-QHQT ngày 31/8/2022, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án FTA Index.

Tháng 01/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-BCT ngày 11/1/2023 về việc thành lập Tổ công tác liên Bộ để triển khai Đề án FTA Index.

Vào tháng 3/2023, Tổ công tác liên Bộ FTA Index đã họp để thống nhất Kế hoạch triển khai Đề án trong năm 2023. Vào tháng 6/2023, Tổ công tác liên Bộ FTA Index đã họp để thông qua Bộ tiêu chí và điều kiện đối với đơn vị được lựa chọn để triển khai thực hiện FTA Index năm 2023. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai các thủ tục cần thiết để thực hiện Đề án này.

Hà Hương

Theo: Báo Công Thương