Hiệp định RCEP có biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt như thế nào? Hiệp định RCEP: Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế |
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 15 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.
Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đối với Việt Nam, New Zealand và 8 thành viên khác; tiếp đó, RCEP lần lượt đã có hiệu lực với Hàn Quốc từ ngày 1/2/2022, có hiệu lực với Malaysia từ ngày 18/3/2022, Indonesia từ ngày 2/1/2023 và cuối cùng là Philippines vào ngày 2/6/2023.
Hiệp định RCEP tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực. (Ảnh: TTXVN) |
RCEP có hiệu lực góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, nhất là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP sẽ thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc thực thi Hiệp định RCEP với một bộ quy tắc xuất xứ chung cho 15 nước thành viên Hiệp định gồm những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam đồng thời cũng là những nguồn cung nguyên liệu lớn của thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực.
Để thực thi Hiệp định RCEP, Việt Nam đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP ở cấp Chính phủ (Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2022) cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương với 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; công tác nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.
Trong đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 – 2026 nhằm cụ thể hóa và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Hiệp định này đầy đủ, hiệu quả. Kế hoạch tập trung triển khai ba nhiệm vụ chính là: Xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.
Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, trong Kế hoạch, Bộ Công Thương xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định RCEP; tiếp tục thực hiện rà soát pháp luật trong nước trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định. Phối hợp với các nước thành viên Hiệp định RCEP để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực hiện Hiệp định.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc phổ biến, giới thiệu nội dung Hiệp định RCEP. Xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, phân tích tổng thể và chi tiết các cam kết của Hiệp định RCEP trong một số lĩnh vực, ngành hàng cụ thể cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong từng ngành hàng; phân tích cơ hội tận dụng Hiệp định để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương án phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ. Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên Hiệp định RCEP; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước thành viên Hiệp định RCEP.
Bên cạnh đó, để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Chương Thương mại hàng hóa của Hiệp định RCEP, ta đã hoàn thành các công việc sau: Chuyển đổi Biểu cam kết thuế quan từ phiên bản 2012 sang phiên bản 2017 và từ phiên bản 2017 sang phiên bản 2022 và ban hành Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 nhằm thực hiện cam kết thuế quan theo Hiệp định RCEP (Bộ Tài chính).
Hoàn thành chuyển đổi Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng từ phiên bản HS 2012 sang phiên bản 2017 và từ 2017 sang 2022 và ban hành các Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2022 và Thông tư số 32/2022/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2022 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (Bộ Công Thương); Ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT Thông tư số 07/2022/TT-BCT ngày 23 tháng 3 năm 2022 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP (Bộ Công Thương).
Hiện nay, trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định RCEP, Việt Nam cùng các thành viên đang tích cực thảo luận, tập trung vào các công việc như: Hoàn thành mục tiêu thiết lập Bộ phận hỗ trợ thực thi RCEP, tạo tiền đề cho việc thành lập Ban Thư ký RCEP, kích hoạt các Tiểu ban và nhóm công tác, thảo luận về thủ tục gia nhập Hiệp định và các hoạt động hợp tác kinh tế.
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|