Thúc đẩy xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

(Banker.vn) Việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử (TMĐT) không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế tất yếu. Đối với thương mại điện tử qua biên giới, khi có chính sách quản lý về hải quan riêng, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển đó.

Thương mại điện tử giúp hàng Việt khẳng định vị thế trên sân nhà

Cảnh giác với hàng loạt các chiêu trò tuyển cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử

Chuyển đổi số 'dễ dàng' hơn cùng Lazada

Cơ chế phải thay đổi phù hợp thực tiễn

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực phát triển kinh tế. Vì thế, việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, TMĐT không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế bắt buộc.

3927-thuongmaidientu

Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT khá nhanh trong khu vực. Trong báo cáo về Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) trong 5 năm (từ 2016-2019) của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) có thống kê, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Dự báo giai đoạn 2015-2025, tốc độ này sẽ đạt 29%. Khi đó, quy mô TMĐT của Việt Nam đạt ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan. Với doanh thu TMĐT kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là với hàng Việt.

Trong bối cảnh đó, cơ chế chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi phù hợp với sự phát triển của TMĐT là hết sức cần thiết, đặc biệt là TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Để thay đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển TMĐT, thực hiện cam kết quốc tế, đơn giản thủ tục hải quan và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, thời gian qua Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định, hiện đang trình Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi ban hành.

Tạo thuận lợi về thủ tục

Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Bắc Hải, dự thảo Nghị định quy định các vấn đề trọng tâm như quy định cụ thể đối tượng điều chỉnh là các sàn giao dịch, website thương mại điện tử bán hàng (bao gồm cả các sàn giao dịch, website thương mại điện tử bán hàng ở nước ngoài), các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Quy định cụ thể ưu đãi về chính sách thuế, chính sách mặt hàng đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, cụ thể là được miễn thuế nhập khẩu, miễn giấy phép, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các đơn hàng nhập khẩu với trị giá hàng hóa nhất định.

3930-thuongmaidientu1
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó tại dự thảo Nghị định có các nội dung quy định nhằm đảm bảo thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch hàng hóa để phục vụ công tác quản lý từ khi phát sinh đơn hàng đến khi thông quan hàng (đối với hàng nhập khẩu) hoặc hàng hóa thực xuất (đối với hàng xuất khẩu). Dự thảo Nghị định chia thành các nhóm hàng hóa và trên cơ sở đó quy định cụ thể thủ tục hải quan đối với từng nhóm hàng nhằm đảm bảo thủ tục khai báo hải quan đơn giản, thời gian thông quan nhanh chóng, phù hợp với từng nhóm hàng.

Song song, dự thảo Nghị định quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này, ví dụ như các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng hoặc các đơn vị được ủy quyền thực hiện phải gửi thông tin đơn hàng đến hệ thống trước khi thực hiện làm thủ tục hải quan…

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, khi Nghị định đi vào thực tế sẽ tạo thuận lợi, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử phát triển. Người mua hàng (đối với hàng nhập khẩu) khuyến khích việc mua hàng vì được miễn thuế nhập khẩu, miễn quản lý chuyên ngành theo định mức quy định tại dự thảo Nghị định. Khi đã cung cấp thông tin đơn hàng đầy đủ, đúng quy định thì người khai hải quan được chấp nhận giá mua bán hàng hóa thực tế để làm cơ sở tính thuế.

Đối với người khai hải quan là doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh hoặc đại lý làm thủ tục hải quan được thực hiện thủ tục hải quan theo từng nhóm hàng, được khai nhiều đơn hàng trên một tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục hải quan đơn giản, theo đó tạo thuận lợi trong việc thông quan hàng hóa, hàng hóa được thông quan nhanh chóng.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan Hải quan có đầy đủ thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; các thông tin trước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giúp cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Bắc Hải, đây là Nghị định đầu tiên quy định riêng về quản lý hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, do vậy khi nghị định này có hiệu lực thi hành sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, thống nhất làm cơ sở cho các đối tượng liên quan thực hiện. Nội dung quy định tại dự thảo Nghị định phù hợp với bản chất của hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, cũng như các cam kết quốc tế và phù hợp với khung thương mại điện tử của tổ chức hải quan thế giới.

Do đó, khi Nghị định được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử do có chính sách ưu đãi riêng đối với hàng hóa giao dịch qua hoạt động thương mại điện tử; có phân loại về thủ tục hải quan để đảm bảo việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng, thuận lợi nhất; thủ tục hải quan đơn giản vì cung cấp, trao đổi thông tin, thủ tục hải quan đều được xử lý trên một Hệ thống duy nhất (Hệ thống xử lý dữ liệu TMĐT).

Tạo thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo quản lý, kiểm soát

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử, cơ quan hải quan cũng nhận thấy có nguy cơ đối tượng lợi dụng gian lận thương mại. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng nghị định đáp ứng hai yêu cầu: vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo quản lý, kiểm soát. Doanh nghiệp thì mong muốn giảm chi phí, thông quan nhanh, cơ quan hải quan vẫn phải đảm bảo công tác quản lý, không để tình trạng gian lận, đưa hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vào nội địa. Chính vì thế, thông qua xây dựng cơ chế chính sách sẽ tạo ra môi trường ổn định, minh bạch.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán