Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử

(Banker.vn) Mặc dù cơ hội là rất lớn, song để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới

Sản phẩm cần tạo ra sự khác biệt

Đánh giá về những cơ hội và thách thức đối với nông sản đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử, chia sẻ tại Toạ đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 23/11, ông Nguyễn Bình Minh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, hiện nay, nông sản là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 36 tỷ USD nông sản trong đó có sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Bình Minh, đây là một trong những sản phẩm mà càng ngày Việt Nam càng có thế mạnh và nổi tiếng trên thế giới.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Toạ đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử”

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, trong đại dịch vừa qua cũng đã tạo ra một động lực thúc đẩy rất nhiều các địa phương, bà con nông dân và đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số tích cực tham gia thương mại điện tử.

“Hiện nay tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang ở mức độ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tăng trưởng khoảng 18%, năm 2021 chúng ta tăng khoảng 15-16% và đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, có thể nói thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ rất mạnh. Theo đó, cơ hội của phát triển nông sản trên các sàn thương mại điện tử là rất lớn” – ông Minh phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, việc hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong Top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt, trong 10 sàn lớn nhất Đông Nam Á thì có 7 sàn đang có mặt tại Việt Nam. Điều đó là một cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như những sản phẩm của các vùng miền đặc trưng.

Ngoài ra, một lợi thế đáng kể nữa, đó là việc gần đây các cơ quan Nhà nước, cũng như các hiệp hội ngành nghề, cũng như các địa phương đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc tham gia các sàn quốc tế, ví dụ như Alibaba hay Amazon, hoặc là các sàn của Việt Nam mà có tham vọng mở rộng ra quốc tế, ví dụ như Voso của Viettel, Vietnam Post.

Thực tế, đại dịch đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử. Theo ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh hai năm vừa rồi, dịch kéo dài đã tạo nên áp lực tiêu thụ sản phẩm rất lớn cho bà con, đặc biệt là các sản phẩm của bà con dân tộc miền núi.

Không "khuất phục" trước khó khăn, từ những áp lực đó, chúng tôi đã thực sự tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các cơ quan trực thuộc Bộ giúp Bắc Giang tiếp cận mở rộng thị trường, thông qua tất cả các kênh phân phối, đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Đại dịch đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử

Trên cơ sở đó, Bắc Giang đã đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản của Bắc Giang thông qua chuyển đổi số. "Chúng tôi đã tổ chức thường xuyên, liên tục, trong tuần có thể làm việc với các bạn hàng của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc với tần suất dày đặc, chúng tôi cố gắng tận dụng, không bỏ sót một cơ hội nào để miễn làm sao sản phẩm Bắc Giang đến được tay của người tiêu dùng trong và ngoài nước" - ông Toản cho hay.

Thương mại điện tử đã mở ra cơ hội "vàng" cho các doanh nghiệp tăng tốc trong cuộc đua tăng trưởng, song điều quan trọng để thực sự "sống khoẻ" được, theo các chuyên gia, yếu tố cốt lõi vẫn là tạo ra các sản phẩm có sự khác biệt thì mới có thể cạnh tranh.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Bình Minh, có hai yếu tố tạo nên cạnh tranh qua thương mại điện tử: Thứ nhất, chúng ta phải bán thật rẻ nếu tất cả sản phẩm mọi người đều giống nhau; Thứ hai, chúng ta phải có sự khác biệt, thì đây chính là sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù vùng miền là cơ hội để khác biệt, để giúp cho sản phẩm của Việt Nam chúng ta có thể đi được khắp mọi nơi.

"Một ưu điểm mà chúng ta thấy là chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là chất lượng của nông sản. Ví dụ như nói đến vải thiều của Bắc Giang, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng là vải thiều rất chất lượng và được cả quốc tế công nhận. Chính vì vậy, việc chú trọng vào chất lượng của sản phẩm, đặc biệt việc đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất có ứng dụng các Global GAP hay VietGAP trong tương lai rất quan trọng" - ông Minh cho biết thêm.

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có các chương trình tham gia các hoạt động đào tạo tại Bắc Giang và cũng có định hướng là trong tương lai bà con cần phải đạt được các tiêu chuẩn của Mỹ, ví dụ như FDA, hay là các tiêu chuẩn của châu Âu để nông sản trong nước có thể dễ dàng xâm nhập vào các thị trường quốc tế.

Rút ngắn giãn cách số giữa thành phố và địa phương

Không thể phủ nhận, thương mại điện tử đã trở thành cầu nối giúp bà con có thể phát triển nhanh trong giai đoạn đại dịch. Cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung và nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng là rất lớn, song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Theo ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, tại Lục Ngạn, Bắc Giang, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp, hợp tác xã về nông nghiệp ở vùng cao hiện nay là trước khi tiếp cận được với sàn điện tử thì việc tiếp cận với công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Tức là các hộ trong hợp tác xã chỉ sản xuất đơn thuần, và khi tiếp cận với kênh thương mại điện tử thì quy trình quản lý rất khó.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Bên cạnh đó, khi đã có các gian hàng trên sàn thương mạ điện tử, dù phát sinh đơn hàng, song lại gặp khó khăn cho quy trình vận chuyển sản phẩm. Cụ thể như hoa quả tươi, đặc biệt vải thiều. Bởi vì vải thiều cần quy trình đóng gói kỹ thuật và quy trình vận chuyển thì phải có xe chuyên dụng, xe lạnh. Theo đó, với khách hàng đặt nhỏ lẻ rất khó khăn trong việc vận chuyển tới khách hàng.

Ngoài ra, để mở rộng thị trường tiêu thụ trên các kênh thương mại điện tử, các mặt hàng đều phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là khi đã cung cấp lên hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử ngoài chất lượng sản phẩm, bao bì đẹp ra thì còn phải có mẫu mã đẹp; giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, như phải được cấp giấy chứng nhận VietGAP và GlobalGAP.

Bàn luận thêm, theo ông Nguyễn Bình Minh, mặc dù quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam chúng ta diễn ra với tốc độ khá cao, tuy nhiên với khoảng cách số hay chúng ta gọi là giãn cách số giữa các thành phố lớn và các địa phương thì còn rất lớn.

Ví dụ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường có khoảng cách khá xa so với các điểm số trung bình của cả nước, thường gấp 4 lần. Điều đó dẫn đến là hầu hết các hoạt động thương mại điện tử chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, và đây là một trong những trở ngại, thách thức nếu như muốn đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số, cũng như phát triển thương mại điện tử ở các vùng sâu vùng xa.

Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử, trong đó có việc các đơn vị, các sàn thương mại điện tử đã về hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm.

Về lâu dài thì hoạt động đào tạo và phát triển thương mại điện tử của chúng ta thì cần phải có lộ trình, điều này cũng mong mỏi Sở Công Thương hay các đơn vị quản lý tại địa phương sẽ có một lộ trình phù hợp để trợ giúp bà con trong một thời gian dài liên tục học tập để nâng cao trình độ.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang

Đồng quan điểm, theo ông Phạm Công Toản: Cơ hội thì rất lớn, tuy nhiên khó khăn thì còn rất nhiều, vấn đề là cần phải vừa làm, vừa điều chỉnh. Cụ thể như chính sách, việc tham mưu chính sách cũng chưa kịp được với sự phát triển công nghệ thông tin về chuyển đổi số.

"Việc hỗ trợ của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong sự phát triển, còn rất nhiều khó khăn như quản trị khách hàng, vấn đề để sản phẩm đến tay được người tiêu dùng làm sao đảm bảo chất lượng, đảm bảo nguồn hàng ổn định. Một vấn đề nữa là khi tiếp cận thị trường quốc tế như châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì điều quan trọng là làm sao để đảm bảo yêu cầu về chất lượng cực kỳ khắt khe của các nước" - ông Toản nêu.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để có thể phát triển hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh thương mại điện tử và tận dụng những lợi thế của thương mại điện tử thì cần các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các kênh thương mại điện tử phải có những chính sách hành động mạnh mẽ hơn nữa, để thực sự mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung cũng như các sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, không chỉ trên các sàn thương mại điện tử trong nước mà còn xuyên biên giới.

Bên cạnh đó các địa phương cũng như các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức công nghệ và nguồn nhân lực cùng chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho phát triển sản phẩm hàng hóa tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như là quy định của các sàn thương mại điện tử.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục