Tăng trưởng bền vững Thúc đẩy tăng trưởng bền vững từ công nghiệp |
Công nhân Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh kiểm tra sản phẩm. |
Thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp là đòn bẩy để các địa phương củng cố và phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội; nguồn lực để kiến tạo đô thị và đem lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng dân cư, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả chung của sự phát triển. Hơn 10 năm trước, việc thu hút dòng vốn đầu tư và phát triển công nghiệp đã giúp nhiều địa phương có sức bật mạnh mẽ, vươn lên trở thành địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng đẹp mắt, hiệu quả ban đầu về kinh tế, điều đáng quan tâm hiện nay là môi trường ở một số khu công nghiệp, làng nghề đang phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, không dễ dàng giải quyết triệt để.
Mở đường phát triển công nghiệp
Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh, thị xã Bắc Ninh lúc đó được ví là “thị xã đèn dầu”, hầu như không có công nghiệp đúng nghĩa và chưa xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài. Thời điểm này, GRDP bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 2,2 triệu đồng/năm, trong khi bình quân chung cả nước ở mức 4 triệu đồng. Sau hơn 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh (1997-2023), Bắc Ninh đã hình thành 16 khu công nghiệp; trong đó có 12 khu công nghiệp đang đi vào hoạt động; 35 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 400 nghìn lao động.
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) của Bắc Ninh đạt hơn 1.500 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần năm 1997 và đứng thứ nhất cả nước. Năm 2022, giá trị xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, đứng thứ 2, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3, tổng vốn FDI đứng thứ 4, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 6 và thu ngân sách nhà nước đứng thứ 14. |
Cũng giống Bắc Ninh, Bình Dương tái lập tỉnh năm 1997, nền kinh tế mang đậm chất thuần nông. Chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” đã mở ra con đường phát triển, đem lại sự thịnh vượng của địa phương ngày hôm nay. Ngành công nghiệp Bình Dương có sự trỗi dậy, bứt phá thần tốc, với 29 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích gần 11.000 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt hơn 88% và 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,4%, có 59.484 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 627 nghìn tỷ đồng, 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,7 tỷ USD. Khu vực công nghiệp chiếm tỷ lệ chi phối trong cơ cấu nền kinh tế với 67,1% tổng GRDP, tương đương 2/3 GRDP của tỉnh.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% trong cơ cấu nền kinh tế Bình Dương. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 459 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 117 lần so với năm 1997; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 166 triệu đồng/người, tăng gần 28 lần so với năm 1997. Bình Dương sớm trở thành địa phương có mức thu ngân sách cao và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương (năm 2022 đạt khoảng 70 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 76 lần so với năm 1997).
Công nghiệp mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế, tuy nhiên, đi đôi với nó là không ít những tác động theo chiều ngược lại, trong đó có vấn đề môi trường. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc gia tăng số lượng chất thải ngành công nghiệp đe dọa đến môi trường, các dòng sông suối, kênh rạch ở khu vực phía nam của tỉnh đã đạt đến ngưỡng mãn tải.
Mô hình phát triển công nghiệp trước đây tổ chức theo không gian lãnh thổ, không theo chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển hạ tầng thiếu quy hoạch đồng bộ, đã gây khó khăn cho việc chuyển đổi sang mô hình công nghiệp sinh thái hiện đại mà Bình Dương muốn hướng tới; cũng như ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ðiều đáng nói là, đây không phải chỉ là câu chuyện của riêng Bình Dương.
Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh
Tại Khu công nghiệp VSIP 3 (Bình Dương), ngày 8/11/2023 mới đây, Công ty LEGO Manufacturing Việt Nam tổ chức lễ cất nóc tòa nhà đúc khuôn và ghi nhận cột mốc 3 triệu giờ an toàn. Nhà máy của Công ty LEGO Manufacturing Việt Nam (thuộc Tập đoàn LEGO) khởi công từ tháng 11/2022 với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Nhà máy được đầu tư, thiết kế để trở thành nhà máy bền vững nhất của tập đoàn từ trước đến nay, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của tập đoàn là giảm 37% lượng khí thải các-bon toàn cầu vào năm 2032.
Nhà máy lắp đặt các tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời trên mái và một nhà máy điện mặt trời được xây dựng trên khu đất lân cận. Năng lượng từ hai nguồn này sẽ đáp ứng tổng nhu cầu năng lượng hằng năm của nhà máy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ưu tiên sử dụng những thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng tiên tiến nhất, các tòa nhà và quy trình sản xuất được tối ưu hóa, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng.
Dự án của Công ty LEGO Manufacturing Việt Nam được đánh giá thân thiện, hạn chế các tác động xấu đến môi trường và xã hội, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc thu hút đầu tư FDI có chọn lọc ngành nghề là xu thế tất yếu trong tương lai của các địa phương công nghiệp. Theo định hướng đó, thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất đã có sự chuyển đổi trong cơ cấu hoạt động, điều chỉnh công nghệ, quy mô sản xuất cho phù hợp. Ðến nay, nhiều tập đoàn đã tiến đến hình thành “nhà máy thông minh” hướng tới sản xuất “xanh” góp phần giúp tỉnh hiện thực hóa mục tiêu “tăng trưởng xanh”.
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Võ Tấn Ðức cho biết, những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển hướng thu hút công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là những dự án công nghệ cao sử dụng ít lao động. Việc chọn lọc khắt khe hơn trong thu hút đầu tư khiến cho Ðồng Nai nhiều lúc bị ra khỏi tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhưng bù lại có kết quả thực chất, thể hiện sự thành công từ định hướng nêu trên. Hiện nay, các dự án đầu tư mới vào tỉnh đều chủ yếu sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề cao, phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo,...
Với quy mô diện tích nhỏ nhất cả nước, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp không dồi dào như các tỉnh khác, cho nên Bắc Ninh luôn nhất quán quan điểm phải tăng “chất” trên mọi mặt. Thực hiện mục tiêu này, Bắc Ninh đưa ra tiêu chí thu hút đầu tư “2 ít, 3 cao” và phương châm “4 sẵn sàng” khi triển khai dự án. Theo đó, ít sử dụng diện tích đất, ít sử dụng lao động; thu hút dự án hiệu quả cao, thu ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao; đồng thời, sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Hương Giang |
Bắc Ninh luôn chủ động đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư mới vào địa bàn, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, trên nền tảng sản xuất thông minh. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Các tỉnh công nghiệp phát triển phải trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, chung tay hoàn thành mục tiêu phát thải “net-zero” vào năm 2050.
Do vậy, các địa phương cần quan tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, công nghệ sạch; nghiên cứu việc áp dụng nội dung Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vào vấn đề đầu tư cho các dự án, kể cả việc đầu tư của các doanh nghiệp trong nước; ưu tiên thu hút các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, mang lại giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ðối với khu công nghiệp mới, sắp hình thành cần yêu cầu thu hút đầu tư đúng định hướng để bảo đảm sử dụng tài nguyên hiệu quả; phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; định hướng hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất trong nước.
Theo nhandan.vn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|