Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á nhằm tăng năng suất

(Banker.vn) Ngày 10/1 tại Hà Nội, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á nhằm tăng năng suất". Báo cáo của IMF nghiên cứu quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa có thể đẩy mạnh năng suất như thế nào tại các quốc gia đang phát triển và đã phát triển tại châu Á, đồng thời, đề xuất cơ chế và chính sách cần thiết cho quá trình tăng trưởng nhờ đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ tại Lễ công bố báo cáo, bà Antoinette M. Sayeh, Phó Tổng Giám đốc điều hành IMF cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một giai đoạn u ám, tăng trưởng chậm lại và mức sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. 

Trong khi đó, xu hướng sụt giảm trong tăng trưởng năng suất tại các quốc gia đang phát triển và những quốc gia tiên tiến ở châu Á diễn ra từ cả trước khi COVID-19 bùng phát. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn khi COVID-19 trở thành một đại dịch. Do đó, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu COVID-19 đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu. 

“Đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Châu Á dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Từ 40% cách đây hai thập kỷ, châu Á hiện đã vươn lên nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính. Thế nhưng sự hiệu quả của những sáng kiến đổi mới sáng tạo lại thấp, tăng trưởng năng suất trong khu vực vẫn ở mức chậm”, bà Antoinette M. Sayeh nói. 

Có hai yếu tố then chốt lý giải cho sự thiếu kết nối trên: số lượng sáng chế cao nhưng chất lượng không phải lúc nào cũng cao; tốc độ lan toả công nghệ từ các doanh nghiệp tiên phong tới các doanh nghiệp đi sau chậm chạp, đổi mới sáng tạo chỉ diễn ra mạnh mẽ tại một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp lớn, còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ hơn và đi sau bị tụt hậu.

 

Các chuyên gia thảo luận tại lễ công bố báo cáo

Báo cáo của IMF đưa ra khảo sát về bối cảnh đổi mới sáng tạo trong khu vực; sử dụng dữ liệu điều tra doanh nghiệp đối với các quốc gia đang phát triển và đã phát triển ở châu Á để tìm ra vai trò của đổi mới sáng tạo và số hóa đối với tăng trưởng năng suất và sự khác nhau của vấn đề này giữa các doanh nghiệp, cũng như chỉ ra những yếu tố cản trở quá trình đổi mới sáng tạo (đối với những quốc gia và doanh nghiệp đang tiến tới giới hạn về công nghệ); thảo luận những công cụ chính sách có thể áp dụng để thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới sáng tạo và năng suất, cũng như đẩy mạnh năng suất chung. 

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ, WB cũng đã có nhiều khảo sát về mức độ áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp Việt Nam và nhận thấy rằng, Việt Nam đang đi chậm hơn so với một số nước trong khu vực. 

“Dù Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực song vẫn chưa thể mang công nghệ phổ biến rộng rãi trong doanh nghiệp. Không đủ nguồn lực, không đủ tài chính, chưa có cơ chế phù hợp là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, những đây cũng là dư địa để cải thiện hơn nữa trong tương lai”, bà Carolyn Turk đánh giá.

Chỉ ra những thách thức khiến Việt Nam chưa thể đạt được những mục tiêu của đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, mặc dù Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ chế chính sách để phát triển, song vẫn còn thiếu những chính sách đặc thù dành riêng cho đổi mới sáng tạo, đồng thời cũng chưa có cơ chế thử nghiệm theo mô hình sandbox cho các start-up. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa đủ cơ chế để thu hút các chuyên gia nổi bật đến Việt Nam giúp sức vào quá trình đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Với nhiều thách thức đang đối mặt, các chuyên gia IMF kiến nghị, việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, ngành nghề và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất.

Bên cạnh đó, các ưu tiên cải cách bao gồm: tăng cường hạ tầng số quốc gia; nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ; khắc phục các hạn chế về nguồn vốn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt khi áp dụng công nghệ mới.

Cùng với đó là tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá quy định quản lý nhà nước, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục