Thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh

(Banker.vn) Tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp sẽ góp phần tiết kiệm năng lượng, hướng tới tăng trưởng xanh.
Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, kiến tạo tương lai xanh Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi tiết kiệm năng lượng

Sáng ngày 21/6, hơn 100 đại biểu, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã tham dự Hội thảo “Hợp tác Thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong doanh nghiệp”.

Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” - Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tài trợ và Dự án “Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh” - Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tài trợ.

Thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh
Đại biểu tham dự Hội thảo “Hợp tác Thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong doanh nghiệp” (Ảnh: Thanh Minh).

Theo các thông tin được đưa ra tại hội thảo, đến năm 2020, cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, với tổng công suất khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm và chiếm 19,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp của Việt Nam. Doanh thu thuần của các công ty trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện đạt 900 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 11% tổng doanh thu của ngành.

Với những thay đổi gần đây trong chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể nếu Việt Nam áp dụng các chính sách nhất quán, kịp thời và phù hợp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dự kiến đáp ứng 70% nhu cầu và chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Ngành công nghiệp Việt Nam (bao gồm cả công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ) cũng là ngành tiêu thụ năng lượng trọng điểm khi chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ: Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” nêu rõ nhiệm vụ của VCCI là huy động các hiệp hội, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kết nối với hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và các nước để kêu gọi, thu hút sự tham gia hỗ trợ tài chính và công nghệ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp.

Thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh
Diễn giả chia sẻ các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong doanh nghiệp - (Ảnh: Thanh Minh).

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận. VCCI đang nỗ lực phối hợp với các đối tác triển khai các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ và trong ngành chế biến thực phẩm - công nghiệp hỗ trợ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển theo hướng xanh - bền vững.

Ông John Cotton - Quản lý Chương trình Cấp cao của Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) - cho biết, hiệu quả năng lượng là một giải pháp dễ dàng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Nó cung cấp những cách thức tức thì và hiệu quả về chi phí để giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính. Bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp, hiệu quả năng lượng có thể dẫn đến tiết kiệm đáng kể trên hóa đơn năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cải thiện an ninh năng lượng tổng thể. Ngoài ra, các biện pháp hiệu quả năng lượng thường thúc đẩy việc tạo ra công ăn việc làm trong các lĩnh vực khác nhau, nâng cao sự đổi mới công nghệ và góp phần cải thiện sức khỏe môi trường bằng cách giảm ô nhiễm.

“VCCI và ETP sẽ cung cấp hỗ trợ thêm để phát triển các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng và giúp chủ dự án tiếp cận và đàm phán với các nhà tài trợ tiềm năng từ cả thị trường trong và ngoài nước”, ông John Cotton khẳng định.

Ngoài ra, ông John Cotton cũng cho biết thêm, sự hợp tác của tất cả các bên trong chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả có thể tạo ra một tương lai sạch hơn, xanh hơn và thịnh vượng hơn cho Việt Nam.

Theo đó, việc cập nhật các hoạt động dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tài trợ, ông Nguyễn Trung Thực - Phó Viện trưởng phụ trách điều hành, Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc VCCI chia sẻ, trong năm đầu tiên, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một cuộc khảo sát toàn diện với doanh nghiệp 2 ngành đã được triển khai, qua đó nắm được cụ thể hơn các khó khăn, thách thức của doanh nghiệp để định hướng hoạt động hiệu quả hơn.

"Dự án cũng đã xây dựng cẩm nang, tổ chức các khoá đào tạo tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp trong thiết lập và duy trì hệ thống quản lý dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý năng lượng và kiểm kê khí nhà kính. Đặc biệt, dự án đã thiết lập được mạng lưới chuyên gia, đối tác trong nước và quốc tế, hỗ trợ khảo sát đánh giá doanh nghiệp, với mục tiêu đạt được là hỗ trợ kiểm toán năng lượng; đánh giá, xây dựng và hoàn thiện dự án năng lượng có khả năng tiếp cận nguồn vốn cho 3 doanh nghiệp", ông Nguyễn Trung Thực thông tin.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục