Thừa Thiên Huế: Xây dựng Áo dài Huế trở thành di sản văn hoá phi vật thể nhân loại

(Banker.vn) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”; đến năm 2030, Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể.
Thừa Thiên Huế: Bắt giam hai đối tượng khai thác cát trộm trên sông Thừa Thiên Huế: Tặng danh hiệu Công dân tiêu biểu cho 10 cá nhân Thừa Thiên Huế: Phiên chợ vùng cao “nhịp cầu” đưa nông sản đến với người tiêu dùng

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”.

Mục tiêu chung là khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam. Tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển Áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển. Khai thác, phát huy vị thế Áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng Áo dài Huế trở thành di sản văn hoá phi vật thể nhân loại
Áo dài - trang phục luôn được người dân và du khách lựa chọn khi tham quan tại Di tích Huế

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025: Hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh Áo dài Huế qua các thời kỳ; Tổ chức định kỳ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế; Xây dựng được bộ truyền thông về Áo dài Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”; Hình thành 01 sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế.

Đến năm 2030 sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo Áo dài phục vụ khách du lịch; Ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển Áo dài Huế; Hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong đó tập trung vào những nhiệm vụ như nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá; xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip quảng bá, truyền thông về Áo dài Huế; Tổ chức Tuần lễ Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài”

Ngoài ra, xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo Áo dài Huế phát triển; Hình thành Bảo tàng, Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài; Xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế; Phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc Áo dài trong cộng đồng...

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương