Thừa Thiên Huế phát triển du lịch theo mô hình Farmstay

(Banker.vn) Mô hình du lịch Farmstay, du lịch xanh tại Thừa Thiên Huế đang được đầu tư rộng khắp, thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Thừa Thiên Huế: Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So Thừa Thiên Huế: Sắp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh đến năm 2050 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu: Nhận diện thuận lợi, khó khăn để hoàn thành mục tiêu

Phát triển du lịch sinh thái Farmstay, du lịch xanh kết hợp với trải nghiệm cộng đồng đang trở thành xu hướng ở vùng nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhiều năm trở lại đây, mô hình lồng ghép các hoạt động du lịch vào sản xuất nông nghiệp đang được nhiều khách du lịch ưa chuộng, đặc biệt là sau dịch Covid-19.

Thừa Thiên Huế phát triển du lịch theo mô hình Farmstay
Mô hình du lịch Farmstay thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm

Hiện nay, các vùng nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, cảnh quan hoang sơ chưa đưa vào khai thác, sản xuất nông nghiệp gắn với văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng…Đây là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hiện nay du lịch nông trại Farmstay phát triển đều khắp các địa phương trong tỉnh như tại xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Hồng Hạ (huyện A Lưới), xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), xã Hương Phú (huyện Nam Đông), xã Phong Hoà (huyện Phong Điền) và khu phường Thuỷ Biều (TP. Huế).

Tại các Farmstay, nắm bắt được xu hướng mới của du lịch mới, chủ cơ sở xây dựng, thiết kế các chương trình du lịch vui chơi thực tế và lồng ghép vào trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình.

Xây dựng và phát triển từ 2,2 ha đất nông nghiệp truyền thống, nông trại đô thị Organic Rơm Farm (phường Hương An, thị xã Hương Trà) là một trong những mô hình du dịch sinh thái nổi tiếng ở Huế trong 2 năm trở lại đây. Với lợi thế nông nghiệp trù phú sẵn có, du khách khi tới tham quan du lịch sẽ được hoà mình vào thiên nhiên, tham gia trải nghiệm các công việc đồng áng cùng “hướng dẫn viên” là nông dân địa phương như lái máy cày trên ruộng, bón phân, tưới cây và bắt cá. Đối với những du khách có nhu cầu, nông trại còn có dịch vụ ăn uống, các món ăn được thu hoạch và chế biến bởi chính du khách trải nghiệm, làm ra.

Thừa Thiên Huế phát triển du lịch theo mô hình Farmstay
Các em nhỏ trải nghiệm, tập trồng cây tại nông trại Organic Rơm Farm

Chị Phương – người sáng lập và phát triển mô hình du lịch sinh thái Rơm Farm cho biết, nông thôn đang là điểm tìm đến yêu thích của nhiều người. Khác với các loại hình du lịch khác, Rơm Farm chú trọng đến sự trải nghiệm của du khách. Bởi vì với vai trò là chủ nông trại, mình nhận thấy khi người ta bỏ phố về làng thì họ muốn được sống trọn với thiên nhiên, rời xa công nghệ.

Với mục tiêu để khách hàng có được sự trải nghiệm tối đa khi đến với mô hình du lịch sinh thái nông thôn, tại Rơm Farm, các du khách đi theo nhóm đông như trường học hay đi theo đơn vị lữ hành…sẽ hợp đồng trước với nông trại để sắp xếp thời gian, chương trình trải nghiệm và đề xuất những yêu cầu riêng như ăn uống, lưu trú nhằm có được sự phục vụ chu đáo nhất.

Hoạt động trải nghiệm một ngày làm nông dân khiến du khách, đặc biệt là các em nhỏ say mê và quên những trò chơi trên điện thoại. Phụ huynh khi đưa con đến đây có cơ hội được chơi cùng con, làm bạn với con và thấu hiểu con của mình. Đây là động lực để tôi quyết tâm phát triển mô hình này. Thời gian tới, nông trại sẽ liên kết tổ chức các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm tại nông trại với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đang tăng cao của du khách”, chị Phương cho biết thêm.

Bên cạnh các Farmstay thì hiện nay nhiều làng nghề nổi tiếng như mây tre đan Bao La, Hoa giấy Thanh Tiên… cũng đã xây dựng các điểm tham quan, trải nghiệm để thu hút du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Thừa Thiên Huế phát triển du lịch theo mô hình Farmstay
Hiện nay, khách du lịch đến với huyện A Lưới phần lớn chọn các Farmstay để lưu trú, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của địa phương

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, để có thể hình thành những Farmstay hoạt động bài bản, thời gian đến, ngành du lịch sẽ xây dựng các mô hình nông trại thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch theo từng giai đoạn và nhân rộng ra các địa phương nhằm tạo các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển nông trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn, gồm nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp, du lịch… Đặc biệt là tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển khai phát triển trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn.

Thời gian tới, Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng 4 mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng tại các địa phương: Thác Kazan, Suối Khe Su, Điểm du lịch sinh thái thượng nguồn Ô Lâu, Suối Pâr Le; Hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm du lịch và sản phẩm bổ sung tại các điểm du lịch sinh thái; Hỗ trợ xây dựng các địa điểm “check in”, không gian đẹp tại các điểm du lịch sinh thái….

Nguyễn Tuấn - Việt Hoàng

Theo: Báo Công Thương