Thủ tướng yêu cầu trình đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines trong tháng 2

(Banker.vn) Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được giao trong tháng 2 trình Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng Covid-19.

Yêu cầu trên được nêu tại thông báo kết luận ngày 14/2 của Thủ tướng sau buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Giai đoạn xảy ra đại dịch (2020-2022), ngành hàng không trong đó có hãng hàng không quốc gia là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động của thị trường.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được công bố cuối năm ngoái, tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn 39.470 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn 15.396 tỷ đồng. Trong năm tài chính kết thúc cùng ngày, hãng lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp 11.223 tỷ đồng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP Vietnam Airlines năm thứ 4 liên tiếp chậm trễ nộp BCTC
Thủ tướng yêu cầu trình đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines trong tháng 2

Về kết quả kinh doanh cả năm 2023, hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần gần 91.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ lúc dịch Covid-19 bùng phát và bằng 94% mức đỉnh trước dịch năm 2019

Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của hãng bay này vẫn âm khoảng 5.500 tỷ đồng. So với năm 2022, số lỗ này đã giảm được một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp hàng không này thua lỗ.

Đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 17.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ. Nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 27.400 tỷ đồng.

Đại diện Vietnam Airlines lý giải trong năm 2023, thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, hoạt động vận tải hành khách trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn do suy giảm nhu cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh cao. Ngoài ra, ngành hàng không còn gặp phải nhiều yếu tố tiêu cực như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột địa chính trị và các rủi ro tỷ giá.

Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines được kỳ vọng có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.

Hiện hãng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022-2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vietnam Airlines cho biết sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.

Bộ Tài chính đang sửa Nghị định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp để Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Đề án tổng thể gỡ khó khăn cho Tổng công ty này.

Tại thông báo kết luận, Thủ tướng đánh giá năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, ông yêu cầu 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước phải đầu tư phát triển mở rộng, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cùng đó, các chỉ tiêu tài chính, nhất là đóng góp ngân sách nhà nước vào tăng trưởng kinh tế năm 2024 phải cao hơn năm 2023.

Để đạt được mục tiêu, cùng với Vietnam Airlines, Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trình Thường trực Chính phủ phương án xử lý dứt điểm dự án Thép Việt Trung và dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trong tháng 3; Đề án cơ cấu lại VEC và Nhà máy đóng tàu Dung Quất trong quý I.

Lãnh đạo Chính phủ giao các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan tới thuế, đất đai, bất động sản, nhà ở để các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có thể đầu tư phát triển. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước nghiên cứu, làm việc với các bộ ngành để sớm tìm giải pháp cho doanh nghiệp. Các bộ ngành phối hợp trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước được yêu cầu bố trí nhân sự đúng, trúng, tuyệt đối không để chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong công tác cán bộ. "Tất cả phải theo quy trình, quy định, không để bất cứ ai can thiệp tiêu cực vào công tác cán bộ", thông báo của Thủ tướng nêu.

Các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam trong năm 2024 bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế về điện, xăng dầu, khí đốt.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, điều chỉnh giá điện phù hợp. Bộ này được giao trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trong tháng 3; xây dựng giá điện khí, gió, mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phú trong quý II.

Cổ phiếu HVN đón tin vui cuối năm, vì sao cổ đông vẫn chưa "an lòng"?

Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ rời diện cảnh báo trong thời gian tới. Đây là tin vui hiếm hoi của ...

Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) có chuỗi thăng hoa dù đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

Nhờ tổ chức thành công họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tuần trước đã giúp cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines được ...

Thua lỗ 4 năm liền, Vietnam Airlines (HVN) nêu lộ trình khắc phục

Vietnam Airlines có năm thứ 4 thua lỗ liên tiếp. Điều này đã khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán