Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về tài nguyên và môi trường

(Banker.vn) Thủ tướng yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý ngành.
Liên Bộ Công Thương - Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị tổng kết của Bộ Tài nguyên và môi trường

Góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước

Sáng 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đặc biệt là Nghị quyết số 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp các kết quả đạt được của Bộ, cũng như của các địa phương trong công tác quản lý tài nguyên. Theo đó, toàn ngành đã nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về tài nguyên và môi trường
Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Cụ thể, Bộ đã tổ chức xây dựng 03 dự án Luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản, tham mưu Chính phủ ban hành 03 Nghị định và ban hành 18 thông tư; tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Đồng thời, với tinh thần cầu thị, luôn hướng về địa phương, cơ sở, Bộ đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt các vướng mắc trong thi hành pháp luật đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời.

Bộ đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia (đã hoàn thành toàn bộ 08/08 quy hoạch), quy hoạch ngành, lĩnh vực (đến nay, đã hoàn thành 10/15 quy hoạch). Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta”- Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về tài nguyên và môi trường
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: La Duy)

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn cũng như đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đã tập trung vào những vấn đề bức xúc từ thực tiễn; chú trọng công tác đối thoại, hòa giải và tuyên truyền chính sách pháp luật để công dân hiểu và làm theo (số vụ việc đã đình chỉ giải quyết khiếu nại lên tới 62% số vụ việc phải giải quyết thuộc thẩm quyền).

Đặc biệt, Bộ đã phối hợp Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP28, Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải bằng 0 (AZEC); tham dự và đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, …

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường như: Hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường thường xuyên được quan tâm sửa đổi, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn, vẫn còn giao thoa, chồng chéo với các ngành, lĩnh vực khác; khâu tổ chức thực thi trên thực tế có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; nguồn lực tài nguyên đó đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước, từng địa phương là rất lớn nhưng vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù đã được đổi mới và tăng cường nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…

Thủ tướng nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương, đánh giá cao và nhấn mạnh 6 kết quả nổi bật toàn ngành đạt được, trong đó có công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Đặc biệt, với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò chủ trì đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực cao, bám sát thực tiễn, kiên trì nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để tham mưu cho Chính phủ giải quyết các vấn đề khó trong dự thảo Luật.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về tài nguyên và môi trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: La Duy)

Bên cạnh kết quả, Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm với ngành trong năm tới.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ-TW của Trung ương.

Tiếp tục, hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước mắt, tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; đồng thời tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm tới.

Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục phân cấp, phân quyền triệt để, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết gây sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí của người dân, doanh nghiệp. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để nhân rộng cho cả nước; tập trung chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số, phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai trong năm 2025 đáp ứng đúng tiến độ, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thay mặt lãnh đạo và tập thể cán bộ công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Về công tác xây dựng thể chế, chính sách đặc biệt là Luật Đất đai, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Tài nguyên nước vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Luật địa chất khoáng sản dự kiến sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định vào cuối tháng 1/2024. Liên quan đến yêu cầu phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tháo gỡ các vướng mắc theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số... phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Thủ tướng nêu ra.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng khẳng định, sẽ đưa các nội dung chính được Thủ tướng chỉ đạo, xây dựng ngay vào chương trình hoạt động năm 2024 và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục