Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

(Banker.vn) Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu NHNN triển khai gói 120.000 tỷ, chỉ đạo NHTM phân loại dự án BĐS để giãn nợ
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo NHTM phân loại dự án bất động sản để giãn nợ. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ;

Nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo theo thẩm quyền các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.

Trước những khó khăn về tín dụng cho thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.

Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, Nghị định 08 là cơ sở pháp lý mở đường cho việc thực hiện thoả thuận đàm phán giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư (trái chủ)…. Tuy nhiên, do phạm vi Nghị định chỉ quy định cơ chế thương lượng thoả thuận giữa doanh nghiệp và trái chủ, đặc biệt là cơ chế hoán đổi trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Do đó, để đảm bảo đồng bộ các giải pháp từ chính sách mới, Hiệp hội kiến nghị bổ sung thêm một số giải pháp về tín dụng.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, các ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xử lý trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn nhưng không được phép mua lại trái phiếu do vướng quy định bởi theo Thông tư 16 quy định, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu lại nợ. Trong khi Nghị định 65 nêu rõ mục đích phát trái phiếu là để thực hiện dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp. Do đó, Hiệp hội đề nghị 2 phương: một là bỏ quy định hoặc ngưng quy định của Thông tư 16.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Trong 2 năm 2023 - 2024 tổng giá trị trái phiếu đến hạn về bất động sản có thể lên đến 230.000 tỷ đồng, là hai năm có điểm rơi về trái phiếu đến hạn là cao nhất, cho nên chúng tôi đề nghị tạm ngưng thực hiện điểm a, khoản 8, điều 4, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước đến hết ngày 32/12/2024 để các doanh nghiệp có điều kiện đàm phán với các trái chủ về vấn đề xử lý trái phiếu đến hạn theo tinh thần, quy định của Nghị định 08".

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán