Thủ tướng yêu cầu gấp rút khởi công 3 dự án cao tốc trọng điểm trong năm 2024

(Banker.vn) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các lãnh đạo địa phương có 3 dự án cao tốc trọng điểm, cần hoàn thành sớm công tác chuẩn bị để tiếp tục khởi công trong năm 2024.
Ninh Bình: Đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng làm cao tốc dài 25km nối về Hải Phòng Ngày 1/1/2024: Khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Năm khởi sắc cho ngành giao thông vận tải

Ngày 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, trong năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, trong đó việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) đạt nhiều kết quả nổi bật.

Thủ tướng yêu cầu gấp rút khởi công 3 dự án cao tốc trọng điểm trong năm 2024
Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải

Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như, việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông năm 2023 là điểm sáng với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không,...

Thủ tướng yêu cầu gấp rút khởi công 3 dự án cao tốc trọng điểm trong năm 2024
Năm nay ngành giao thông vận tải đạt được nhiều thành tích

"Năm nay, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần: Vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ. Vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng ghi nhận tinh thần làm việc hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ tiến không lùi, ba ca bốn kíp, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ của toàn ngành giao thông vận tải, chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu đã hoàn thành trên 730km đường cao tốc. Từ đây, Thủ tướng đề nghị tinh thần này cần phải chuyển tải đến các địa phương, công nhân trên công trường.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc trọng điểm

Bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng "trá hình" còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.

Nhiều công trình đường bộ cao tốc đã kịp hoàn thành, đưa vào khai thác song việc đầu tư các trạm dừng nghỉ, cầu vượt dân sinh, hệ thống giao thông minh (ITS)… chưa đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người sử dụng. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu sớm trình phê duyệt, khởi công một số dự án PPP, như cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh tại khu vực miền núi phía Bắc, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tại khu vực Đông Nam bộ nối với Tây Nguyên, cao tốc Nam Định - Thái Bình tại Đồng bằng sông Hồng… vì đây là 3 dự án PPP được triển khai tại các khu vực quan trọng khi hoàn thành sẽ đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước.

“Tôi đã yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng khởi công Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào ngày 1/1/2024 để tạo khí thế cho công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024. Cùng với đó là sớm hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và Dự án cao tốc Nam Định - Thái Bình để khởi công trong năm 2024” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm soát tiến độ, chất lượng trong xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông; sân bay Long Thành - công trình quan trọng quốc gia, mang tính biểu tượng của cả nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc. Thủ tướng cũng lưu ý bộ tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện thể chế bám sát với thực tiễn.

“Giữ vững kỷ cương, phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát thường xuyên, giảm tất cả thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phải hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng chỉ đạo.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương