Thủ tướng: Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

(Banker.vn) Sáng 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: FDI là bộ phận hợp thành của kinh tế Việt NamĐang diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoàiViệt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI

Khu vực FDI đóng góp quan trọng vào nền kinh tế

Phát biểu tại sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn và Hội nghị; cảm ơn sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của các bạn bè quốc tế, các đối tác phát triển, các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức thời gian qua, góp phần vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước Việt Nam.

Thủ tướng: Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

Thủ tướng đánh giá cao, trân trọng sự hiểu biết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn của các đại biểu - Ảnh: VGP

Lắng nghe tất cả các ý kiến, Thủ tướng đánh giá cao, trân trọng sự hiểu biết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn của các đại biểu trong đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân và nêu các đề xuất, kiến nghị; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xanh.

Thủ tướng cho rằng các phát biểu của các đại biểu đều cho thấy tinh thần "ba cùng" gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, khu vực FDI là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách, khả năng quản trị quốc gia. Đầu tư của các doanh nghiệp FDI là nguồn lực quan trọng, vừa bổ sung vốn, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Hoạt động của ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia, quy mô lớn, công nghệ hiện đại góp phần nâng cấp công nghệ, kỹ năng quản lý, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức nói chung của nền kinh tế, khu vực FDI cũng có một số tồn tại, hạn chế như chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp; sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Còn có tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động…

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "Ba tiên phong"

Chia sẻ quan điểm tăng trưởng xanh, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững. Theo Thủ tướng, Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...

Thủ tướng: Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình
Thủ tướng trao đổi với đại diện các doanh nghiệp FDI dự Hội nghị

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này.

Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)…

Việt Nam ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…

Việt Nam đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL; triển khai Kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030", đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai…

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị và mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "Ba tiên phong".

Một là, tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về tăng trưởng xanh.

Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.

Ba là, tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam theo tinh thần "Ba đẩy mạnh".

Một là, đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, phát triển số.

Hai là, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, đột phá, xoay chuyển tình thế, tìm kiếm và kết nối với các đối tác phù hợp, chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính xanh.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trụ cột, các lĩnh vực quan trọng, mới nổi.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết "ba bảo đảm", đẩy mạnh "ba đột phá" và thực hiện "ba tăng cường".

"Ba bảo đảm" gồm: (i) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung và FDI nói riêng, bảo đảm cho doanh nghiệp FDI ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và các xu thế lớn của thời đại như ứng phó biến đổi khí hậu; (ii) Bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm; (iii) Bảo đảm ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.

Đặc biệt Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không để thiếu điện với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc triển khai khuyến khích cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm: (i) Đột phá về thể chế phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, (ii) Đột phá về hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, giáo dục, hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; (iii) Đột phá về nhân lực.

Việt Nam thực hiện "ba tăng cường" gồm: (i) Tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các cấp chính quyền; (ii) Tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (iii) Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.

Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tinh thần: "Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng".

"Việc hợp tác có được và chưa được nhưng quan trọng nhất là cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu thì những vướng mắc dù lớn hay nhỏ đều có thể được giải quyết", Thủ tướng nói và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm được".

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương