Thủ tướng: Sửa đổi, hoàn thiện công cụ thuế để bảo vệ sản xuất, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

(Banker.vn) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong quá trình hoàn thiện Luật Thuế giá trị gia tăng cần bám sát chủ trương, đường lối thực tiễn, bảo vệ sản xuất trong nước
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 4/2024

Sáng 11/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2024. Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về: Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2023.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã dành rất nhiều thời gian cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức 25 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ đã cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với gần 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật và các nội dung liên quan để trình các cấp có thẩm quyền; ban hành hàng trăm nghị định, chỉ đạo ban hành các thông tư để hướng dẫn thi hành các luật.

Thủ tướng: Sửa đổi, hoàn thiện công cụ thuế để bảo vệ sản xuất, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là những nội dung quan trọng, cấp bách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn (nhiều vấn đề mới phát sinh, nhưng chưa có quy định, hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua), tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, vượt qua các khó khăn, thách thức, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực trưởng mới (như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xuất nhập cảnh, các luật liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…).

Trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu chất lượng ngày càng cao, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm bố trí các cán bộ có trình độ, năng lực và tâm huyết cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc thuận lợi và có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác này; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan.

Trong đó, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cần quyết nghị để sớm trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 cần sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để phân bổ, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Với tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận sôi nổi, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 2 nội dung quan trọng.

Trong đó, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cần quyết nghị để sớm trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 cần sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để phân bổ, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng: Sửa đổi, hoàn thiện công cụ thuế để bảo vệ sản xuất, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Tài chính đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung trên; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện.

Thủ tướng đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các thành viên Chính phủ và đại biểu dự họp, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến để hoàn thiện dự án Luật và phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 2 nội dung này.

Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý yêu cầu bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát thực tiễn, giải quyết được các bài toán đặt ra từ thực tiễn. Công cụ thuế cần bảo vệ sản xuất trong nước, khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên, nhưng hợp tình, hợp lý, phù hợp tình hình, linh hoạt; tính toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, buôn lậu.

Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực mới nổi, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khuyến khích xuất khẩu…; với những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, như năng lượng, lương thực, thực phẩm thì phải tính toán rất kỹ.

Về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023, Thủ tướng lưu ý cần thực hiện đúng Luật Ngân sách, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, cân đối giữa các vùng miền, lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, các dự án đã xong thủ tục, các lĩnh vực ưu tiên, như hạ tầng chiến lược, giao thông vận tải, trong đó có các dự án cấp bách, như một số đoạn cao tốc hiện chỉ có 2 làn xe…

Cùng với các nội dung cụ thể của phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian tới.

Thủ tướng: Sửa đổi, hoàn thiện công cụ thuế để bảo vệ sản xuất, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận tại phiên họp - Ảnh: VGP: Nhật Bắc

Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu tích cực chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Số lượng các dự án luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này là rất lớn (khoảng 18 dự án luật), nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng dự án luật, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo quy định.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương soạn thảo, trình, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (5 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ); khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (trước ngày 15/5/2024).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Tập trung nguồn lực, bố trí các cán bộ có trình độ, năng lực và tâm huyết cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc thuận lợi và có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời sửa đổi để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp ngay trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực phát triển mới như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi

Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong quá trình xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh; thể hiện rõ chính kiến, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Chính phủ. Lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, phát huy tinh thần "3 cùng" (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển).

Tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện nước ta. Tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Thụy Anh

Theo: Báo Công Thương