Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược

(Banker.vn) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo sớm về hội nhập kinh tế quốc tế Xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế

Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế" diễn ra sáng nay, 2/8/2023, được thực hiện theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Dự Phiên họp còn có các Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thực tiễn triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định rõ đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế"

Cụ thể, Thủ tướng nêu rõ 3 chuyển biến lớn mà kết quả triển khai Nghị quyết đã mang lại, gồm: Thứ nhất là chuyển biến lớn về nhận thức. Theo đó, hội nhập quốc tế đã trở thành "sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị"; thực sự trở thành "định hướng chiến lược lớn" của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai là chuyển biến lớn về hành động, từ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa-xã hội; từ tham gia là chủ yếu sang chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến, xây dựng và định hình luật chơi; vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Thứ ba, từ chuyển biến về nhận thức và hành động đó đã dẫn đến những kết quả rất rõ nét trong nâng cao vị thế, tiềm lực đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế"

Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.

Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD...

Khẳng định chúng ta còn nhiều tiềm năng, dư địa, cơ hội về hợp tác quốc tế để tiếp tục tranh thủ, phát huy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số bài học kinh nghiệm cần quán triệt trong triển khai hội nhập thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng nêu rõ phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Phải nỗ lực tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp. Hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa có thách thức; là việc khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm.

Cùng với đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phải coi hội nhập quốc tế chính là một động lực quan trọng để đổi mới và phát triển.

Gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của nước ta trước mọi biến động từ bên ngoài. Phát huy được các nguồn lực bên ngoài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, huy động tài chính, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành tham dự phiên họp

Đặc biệt, Thủ tưởng nhấn mạnh, phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển ở trong nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt hành động trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "dĩ bất biến ứng vạn biến"; phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được khó khăn, thách thức, mâu thuẫn của đất nước.

Về định hướng để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo với hình thức phù hợp về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Thủ tướng cho rằng, trước hết, cần tiếp tục suy nghĩ, vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thực hiện chính sách quốc phòng "4 không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, hông sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương